|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thị trường hàng hóa trong cơn tăng điên cuồng, chưa biết khi nào chấm dứt

21:26 | 02/05/2021
Chia sẻ
Giá rất nhiều nguyên liệu thô, từ thép và đồng đến ngô và cà phê, đều đang tăng phi mã. Quỹ đạo này dường như sẽ tiếp tục nếu nền kinh tế thế giới phục hồi trở lại mức trước đại dịch.

Từ đầu năm đến nay, giá hàng hóa liên tục bùng nổ và tăng vọt lên mức chưa từng thấy trong nhiều năm. Đà tăng của thép, ngô, đồng,... có nguy cơ khiến khá nhiều mặt hàng khác bị ảnh hưởng, từ bánh mì sandwich, ly cà phê đến những tòa nhà chọc trời. Ngoài ra, xu hướng này còn gây ra mối lo về lạm phát.

Trong bối cảnh chính phủ Mỹ bơm hàng nghìn tỷ USD kích thích tài khóa và nền kinh tế châu Âu bắt đầu mở cửa trở lại sau khi chương trình tiêm ngừa COVID-19 đi vào guồng, Bloomberg nhận thấy xu hướng tăng giá của thị trường hàng hóa khó có thể đảo ngược.

Tuần qua, JPMorgan Chase dự đoán giá hàng hóa sẽ còn đi lên, đồng thời "xu hướng tăng phát (reflation) và mở cửa thương mại sẽ tiếp tục".

Thị trường hàng hóa trong cơn tăng điên cuồng, chưa biết khi nào chấm dứt - Ảnh 1.

Hơn nữa, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương khác không có vẻ gì là sốt ruột vì lạm phát, điều đó cho thấy các nền kinh tế lớn có thể tiếp tục tăng nóng, và do đó nhu cầu hàng hóa chưa thể chững lại.

Ông Giovanni Staunovo - chuyên gia phân tích tại UBS Group, cho hay: "Hai trụ đỡ quan trọng nhất cho thị trường hàng hóa bây giờ là tốc độ phục hồi kinh tế và mở cửa thương mại toàn cầu". Ngân hàng có trụ sở tại Thụy Sĩ này dự đoán giá hàng hóa nói chung sẽ tăng khoảng 10% trong năm tới.

Trung Quốc - thị trường sản xuất và tiêu thụ nhiều vật liệu thô quan trọng, là một mắt xích lớn, đặc biệt là khi chính quyền Bắc Kinh đang ra sức giảm sản lượng của một số kim loại chủ chốt như thép và nhôm để hoàn thành mục tiêu về giảm khí thải nhà kính.

Không chỉ vật liệu thô, Trung Quốc còn đang mua một lượng lớn ngũ cốc. Giá lương thực cũng đang bị ảnh hưởng vì thời tiết chuyển biến xấu khi các vùng nông nghiệp quan trọng ở Brazil và Pháp bước vào vụ thu hoạch.

Song, hàng hóa ngày càng đắt đỏ không phải là tin vui cho tất cả. Bloomberg đã liệt kê một số "kẻ thắng, người thua" trong chu kỳ tăng giá hiện tại của thị trường hàng hóa.

Xu hướng sống xanh

Giá đồng đã tăng không ngừng nghỉ trong hơn một năm qua sau khi chính phủ các nước cam kết thúc đẩy năng lượng tái tạo và khuyến khích người dân chạy xe điện. Theo đó, các công nghệ xanh phụ thuộc vào kim loại đồng cũng đắt hơn một chút.

Lưới điện là một ví dụ. Theo BloombergNEF, khoảng 1,9 triệu tấn đồng đã được dùng để xây dựng lưới điện trong năm 2020 và giá đồng đã tăng hơn 90% từ năm ngoái đến nay.

Ước tính, khối lượng kim loại đồng được đưa vào sử dụng vào năm 2050 sẽ tăng gấp đôi, trong khi nhu cầu với các công nghệ ít khí thải nhà kính như xe điện và tấm pin mặt trời cũng sẽ bùng nổ.

Mua hay bán

Tác động của đợt tăng giá hàng hóa phụ thuộc vào thực tế một nước đang xuất khẩu hay nhập khẩu mặt hàng. Đối với các nước phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu vật liệu thô, xu hướng tăng giá chính là tin tốt cho nguồn thu quốc gia, đặc biệt là sau khi một năm đại dịch tàn phá nền kinh tế.

Các nước như Australia (quặng sắt), Chile (đồng) và Indonesia (dầu cọ) đã kiếm được khoản tiền khổng lồ từ đà tăng của thị trường hàng hóa.

Thị trường hàng hóa trong cơn tăng điên cuồng, chưa biết khi nào chấm dứt - Ảnh 3.

Trái lại, các nước đang tìm cách xây dựng lại cơ sở hạ tầng có thể lo lắng hơn. Kế hoạch đầu tư trị giá 2.300 tỷ USD của chính quyền Tổng thống Joe Biden chính là một ví dụ.

Lưới điện, đường sắt, những tòa nhà cũ nát,...chính là các công trình cần tiêu thụ rất nhiều kim loại. Do đó, giá vật liệu thô tăng cao thì khối lượng hàng hóa mà Mỹ có thể mua được lại giảm đi.

Tập đoàn tư vấn CRU Group ước tính theo kế hoạch của ông Biden, nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ phải nhập khẩu thêm 5 triệu tấn thép so với mức 80 triệu/năm hiện tại. Đó là còn chưa tính đến các kim loại như nhôm và đồng.

Thịt

Ngành công nghiệp chế biến thịt đã trải qua một năm khó khăn, từ dịch tả heo châu Phi bùng phát ở các trung tâm chăn nuôi heo như Đức và Trung Quốc đến đại dịch COVID-19 hoành hành trên toàn cầu.

Trong bối cảnh giá cây trồng tăng cao, nông dân chăn nuôi gia cầm, heo và gia súc là những người đầu tiên bị ảnh hưởng khi giá ngũ cốc nhảy vọt. Giá ngô đã tăng gấp đôi trong năm qua, trong khi khô dầu đậu nành tăng hơn 40%.

Các nhà máy luyện thép cũ

Theo Bloomberg, các cơ sở chế biến thép cũ kỹ ở Mỹ và châu Âu đã phải chịu tình cảnh giá thép lao dốc trong nhiều năm do dư thừa công suất.

Các nhà máy này phải vật lộn để tìm kiếm lợi nhuận và đảm bảo công ăn việc làm cho công nhân. Trong giai đoạn 2008 - 2019, hơn 85.000 công nhân luyện thép tại Liên minh châu Âu đã mất việc, Hiệp hội Thép Eurofer thông tin thêm.

Song, tình cảnh trên đã thay đổi đáng kể khi giá thép bùng nổ. Các hợp đồng thép giao sau ở Trung Quốc liên tục phá vỡ kỷ lục, thậm chí vượt qua mức tăng của quặng sắt - thành phần chính để luyện thép.

Nhờ đó, giá thép chuẩn ở Mỹ và châu Âu cũng tăng theo. Hiện tại, các nhà máy luyện thép ở hai khu vực này đang cố gắng đáp ứng nhu cầu cao bất ngờ của các thị trường lớn như Trung Quốc.

Bàn ăn sáng

Nguyên liệu chính để chế biến cà phê cũng đang tăng. Giá cà phê arabica giao sau đã nhảy vọt 33% trong năm qua và giá đường thô cũng cùng chung xu hướng. Giá lúa mì chuẩn cũng đã chạm mức đỉnh 8 năm.

Dĩ nhiên, giá nguyên liệu thô tăng cao chưa thể tác động ngay lập tức đến người tiêu dùng, vì nhà bán lẻ vẫn đang cố gồng gánh những loại chi phí này. Tuy nhiên sẽ đến một thời điểm, khi doanh nghiệp không thể chịu được biên lợi nhuận thấp thì khách hàng sẽ cảm nhận được dư chấn của đợt tăng giá lần này.

Khả Nhân

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.