|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Trung Quốc nhanh chân gom nguyên liệu, tương lai của nước Mỹ trở nên đắt đỏ

15:54 | 02/04/2021
Chia sẻ
Từ hai thập kỷ trước, Trung Quốc đã bắt đầu rà soát lỗ hổng trong chuỗi cung ứng và tích trữ các mặt hàng chiến lược như đồng, coban,... Đến năm 2021, Mỹ mới thảo luận về một gói đầu tư cơ sở hạ tầng và đương nhiên cần rất nhiều hàng hóa, nhưng Trung Quốc đã vét hết rồi còn đâu.

Nhanh chân thì còn, chậm chân thì hết

Chỉ vừa ký thông qua đạo luật kích thích tài khóa trị giá 1.900 tỷ USD hồi giữa tháng 3, Tổng thống Joe Biden lại khiến công chúng ngạc nhiên với một gói đầu tư lớn hơn vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng. Nếu đề xuất mới được ban hành, chắn hẳn Mỹ sẽ cần thêm rất nhiều hàng hóa hơn. Tuy nhiên, chỉ có một vấn đề lớn, đó chính là Trung Quốc.

Theo Bloomberg, Mỹ sẽ cần thêm thép, xi măng và nhựa đường để xây dựng cầu đường; và cần thêm coban, lithium và đất hiếm để sản xuất pin. Trên hết, Mỹ cần rất nhiều nguồn cung đồng.

Đồng sẽ được sử dụng để chế tạo xe điện mà Tổng thống Biden cam kết sẽ mua để trang bị cho chính phủ Mỹ; để xây dựng các trạm sạc xe điện; và để sản xuất dây cáp kết nối tuabin gió và các trang trại điện mặt trời với lưới điện chung. 

Tuy nhiên, Mỹ lại chậm chân hơn Trung Quốc vì chưa mua được bao nhiêu các loại nguyên vật liệu trên, đặc biệt là đồng.

Trung Quốc vét sạch hàng hóa, Mỹ cần cũng không có - Ảnh 1.

Công nhân làm việc tại một nhà máy luyện đồng ở Chiết Giang, Trung Quốc. (Ảnh: Getty Images).

Trung Quốc là nước đầu tiên bị đại dịch COVID-19 tấn công nhưng cũng là nền kinh tế lớn đầu tiên bắt đầu phục hồi sau dịch bệnh. Khi phần còn lại của thế giới còn tê liệt và giá hàng hóa giảm mạnh trong hai tháng 3 và 4 năm ngoái, Trung Quốc đã bắt đầu tích trữ hàng.

Các doanh nghiệp, thương nhân và thậm chí chính quyền Bắc Kinh điên cuồng tiếp cận thị trường hàng hóa toàn cầu để mua được nhiều nguyên vật liệu công nghiệp nhất có thể, Bloomberg cho hay.

Ông David Lilley, Giám đốc Điều hành của Drakewood Capital Management (Anh), cho biết: "Trung Quốc mua rất nhiều đồng vào năm ngoái nhưng tôi không tin họ chỉ dùng để phục vụ nhu cầu sản xuất trong nước. Có lẽ Trung Quốc đang xây dựng kho dự trữ đồng chiến lược cho kế hoạch riêng trong tương lai".

Năm ngoái, Trung Quốc nhập khẩu khoảng 6,7 triệu tấn đồng chưa gia công, tăng 33% so với năm 2019 (tương đương tăng 1,4 triệu tấn). Chỉ riêng con số 1,4 triệu tấn này đã ngang ngửa mức tiêu thụ đồng hàng năm của Mỹ.

Các thương nhân và giới phân tích nhận định, chính phủ Trung Quốc đã mua đâu đó từ 300.000 đến 500.000 tấn đồng trong giai đoạn giá đồng sụt giảm mạnh. Cũng nhờ Trung Quốc gom hàng, giá đồng đã tăng gấp đôi so với mức thấp vào tháng 3/2020 lên ngưỡng 9.000 USD/tấn.

Tuy nhiên, giá đồng và các hàng hóa khác vẫn còn dư địa để tăng thêm. Kinh tế toàn cầu khởi sắc cùng với các gói chi tiêu tài khóa khổng lồ góp phần thúc đẩy xu hướng này. Thậm chí, các nhà phân tích Phố Wall còn tin tưởng vào một kịch bản gọi là siêu chu kỳ hàng hóa.

Ông Mark Hansen của công ty thương mại Concord Resources (Anh) dự đoán giá đồng sẽ phá kỷ lục 10.190 USD/tấn để leo lên mức cao mới là 12.000 USD/tấn trong 18 tháng tới. Ông lớn Trafigura Group còn kỳ vọng giá đồng sẽ chạm mốc 15.000 USD.

Trung Quốc vét sạch hàng hóa, Mỹ cần cũng không có - Ảnh 2.

Mua sắm thông minh

Chính phủ Trung Quốc từng đầu tư một lượng tiền khổng lồ vào cơ sở hạ tầng trong hai thập kỷ qua, đến mức nước này chiếm gần 50% nhu cầu của nhiều kim loại cơ bản trên thế giới. Do đó, Trung Quốc chắc chắn sẽ khôn ngoan hơn trong chiến lược mua sắm hàng hóa.

Trong quá khứ, các nhà máy luyện đồng của Trung Quốc đã bắt tay cùng nhau đàm phán với nhà cung ứng. Ngoài ra, các công ty Trung Quốc, nhiều trong số đó thuộc sở hữu nhà nước, đã mua lại các mỏ khai thác quặng từ Cộng hòa Dân chủ Congo, Peru đến Indonesia và Australia. Trong vài năm gần đây, họ còn mua thêm các công ty thương mại hàng hóa quốc tế.

Đối với đất hiếm - loại hàng hóa có thể định hình tương lai, Trung Quốc cũng dẫn đầu cuộc chơi, là nhà sản xuất đất hiếm lớn nhất thế giới. Đất hiếm là vật liệu cần thiết để sản xuất các kim loại quan trọng như lithium, coban, niken,... Các kim loại này lại là vật liệu chính để chế tạo các ứng dụng công nghệ cao như pin lithium, chip bán dẫn - những thứ đóng vai trò nền tảng của cuộc cách mạng xe điện.

Ông Simon Moores của Benchmark Mineral Intelligence (BMI) cho biết, mặc dù Trung Quốc chỉ khai thác khoảng 23% nguyên liệu thô để chế tạo pin xe điện, 80% công đoạn xử lý trung gian lại diễn ra ở đất nước tỷ dân. 

Trong kế hoạch kinh tế 5 năm mới công bố hồi tháng 3, Bắc Kinh đã trình bày chiến lược mới nhằm tăng cường dự trữ năng lượng và hàng hóa quan trọng. Năm ngoái, một quan chức chính phủ Trung Quốc tiết lộ, Bắc Kinh sẽ trích trữ nhiều loại hàng hóa, bao gồm các mặt hàng có nguồn cung hạn chế, phụ thuộc vào nhập khẩu, dễ biến động mạnh về giá hoặc được khai thác ở những nước có nền kinh tế và chính trị bất ổn.

Trái lại, Mỹ hiếm khi quan tâm đến dự trữ hàng hóa chiến lược và chính quyền Washington cũng chỉ muốn giảm bớt sự phụ thuộc vào dầu thô nhập khẩu, đặc biệt là từ khu vực Trung Đông.

Đồng và các kim loại khác không được chính phủ Mỹ chú trọng. Các nhà phân tích tại Macquarie Group chỉ ra rằng khi nhu cầu đồng của Trung Quốc tăng vọt trong hai thập kỷ qua thì nhu cầu của Mỹ lại đi xuống.

Trong bối cảnh chính phủ Mỹ liên tục đưa ra các gói kích thích tài khóa mới, sự lãnh đạm của Washington với các hàng hóa chiến lược chắc chắn sẽ thay đổi, Bloomberg dự đoán.

Dù chi tiết đề xuất phát triển cơ sở hạ tầng của ông Biden vẫn chưa được công bố tại Quốc hội Mỹ, công ty tư vấn CRU Group ước tính rằng cứ đầu tư 1.000 tỷ USD thì Mỹ cần khoảng 6 triệu tấn thép, 110.000 tấn đồng và 140.000 tấn nhôm mỗi năm.

"Trung Quốc tự rà soát lỗ hổng trong chuỗi cung ứng từ lâu và đang tăng cường dự trữ hàng hóa chiến lược. Tôi nghĩ phương Tây thậm chí còn chưa suy tính đến vấn đề này", ông Lilley của Drakewood Capital Management cánh báo.

Khả Nhân