|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá thép tăng đến bao giờ?

06:46 | 29/04/2021
Chia sẻ
Giá thép tăng cao là do giá các nguyên vật liệu sản xuất thép tăng cao đột biến trên thị trường toàn cầu. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, thị trường thép có thể sẽ thiết lập một mặt bằng giá.

Giá thép tăng "nóng" vì đâu?

Từ đầu năm đến nay, giá thép các loại tăng liên tục đang khiến nhiều nhà thầu đứng ngồi không yên vì chi phí tăng, ảnh hưởng rất lớn đến những hợp đồng đã và đang thực hiện.

Cụ thể, theo số liệu của Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), giá thép phi 6 Việt Mỹ trong quý 3/2020 là 13.145 đồng/kg thì hiện nay, tại Đà Nẵng được bán với giá 18.370 đồng/kg, tăng 40%.

"Không riêng thép Việt Mỹ mà tất cả các thương hiệu thép đều đồng loạt tăng giá từ 30 - 40% so với quý cuối năm trước", VACC cho hay.

Vậy lý do nào đã khiến giá thép tại thị trường nội địa tăng "chóng mặt" trong thời gian qua và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt?

Số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho thấy giá phôi thép ngày 6/4 ở mức 633 USD/tấn, tăng khoảng 30 USD/tấn so với mức giá phôi thép thời điểm đầu tháng 3/2021 và tăng khoảng hơn 200 USD/tấn so với cùng thời điểm năm 2020.

Giá thép cuộn cán nóng (HRC) ngày 6/4 ở mức 795 USD/tấn, tăng mạnh khoảng 85 USD/tấn so với mức giá giao dịch đầu tháng 3/2021 và đã qua mức chào giá ngày 8/12/2020 là 700 USD/tấn.

Nguyên nhân nào khiến giá thép phi mã và chưa có dấu hiệu dừng? - Ảnh 1.

Nguồn: VSA

Trong khi đó, theo báo cáo của CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư phát triển Việt Nam (BSC) tại thị trường Trung Quốc, nhu cầu thép dự báo sẽ tăng 2,2% trong năm 2021 nhờ động lực đến từ đầu tư hạ tầng và sản xuất ô tô.

Tuy nhiên nguồn cung nội địa lại đang giảm theo chính sách chung của chính phủ Trung Quốc kết hợp với chính sách kiểm soát ô nhiễm môi trường.

BSC cho biết kể từ đầu tháng 1/2021, Trung Quốc cho phép hoạt động nhập khẩu thép phế được tái khởi động, nhằm đảm bảo nguyên liệu cho các lò điện (EAF) trong nỗ lực cắt giảm khí thải từ hoạt động sản xuất công nghiệp.

Trước đó, Trung Quốc đã cấm nhập khẩu chất thải rắn (bao gồm phế liệu) từ 1/9/2020 tuy nhiên sau đó đã nói lỏng lệnh cấm nhập khẩu với một số phế liệu kim loại như đồng, nhôm, thép… và ban hành các quy chuẩn đối với phế liệu nhập khẩu nhằm tạo điều kiện cho nhập khẩu nguyên liệu được khơi thông. 

"Tỷ trọng sản lượng thép sản xuất theo công nghệ lò điện (EAF) năm 2021 dự kiến sẽ tăng lên 15,2% so với 14,5% năm 2020. Việc dịch chuyển công suất của Trung Quốc sẽ góp phần gây sức ép giảm giá lên quặng sắt và tăng giá đối với thép phế thế giới. 

Do đó, chi phí sản xuất của các nhà sản xuất thép lò cao sẽ có xu hướng giảm trong khi sức ép tăng giá thành của các nhà sản xuất lò điện cao hơn", báo cáo của BSC nêu.

Không chỉ vì giá các nguyên vật liệu sản xuất thép tăng cao đột biến trên thị trường toàn cầu mà dịch bệnh, thời gian giao hàng kéo dài cũng là lý do khiến giá thép tăng mạnh.

Chia sẻ với người viết, ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho  biết: "Về năng lực nguồn cung thì thừa nhưng cung ứng là chuyện khác vì dịch COVID-19 khiến các nhà máy đóng cửa trong khi đó vấn đề logistics làm nguồn nguyên liệu bị gián đoạn nên không thể tăng sản xuất.

Với tình hình này, thị trường thép có thể sẽ thiết lập một mặt bằng giá mới nhưng sau này sẽ được điều chỉnh theo quan hệ cung cầu".

Nguyên nhân nào khiến giá thép phi mã và chưa có dấu hiệu dừng? - Ảnh 2.

Theo VSA thị trường thép có thể sẽ thiết lập một mặt bằng giá. (Ảnh: báo Công Thương)

Giá thép sẽ tăng đến bao giờ?

Bản tin thị trường thép Việt Nam của VSA cho biết các dự báo trước đó về việc giá thép sẽ chỉ tăng tối đa là hết quý II/2021 đã trở nên thay đổi khi nhiều dự báo mới nhận định rằng thời gian thép có thể tăng hết quý III/2021 khi nhìn vào những gì đang diễn ra ở Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, EU và nhiều thị trường lớn khác.

Tuy nhiên, theo chia sẻ mới đây của chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam thị trường tiếp tục thay đổi và hiện rất khó để đưa ra dự báo mới. 

"Tình hình tăng giá thép đã kéo dài nhiều tháng. Lúc đầu Hiệp hội dự báo chỉ kéo dài đến hết quý II nhưng tình hình hiện nay rất khó dự báo do diễn biến mới của dịch COVID-19 khi nó vừa bùng phát tại nhiều quốc gia.

Trong khi đó, thị trường Trung Quốc liên tục biến động, không thể lường trước được, bài học từ các năm 2008 - 2009 còn rất rõ, lúc đó do khủng hoảng toàn cầu nhưng bây giờ là do dịch COVID-19 đang khắc chế nguồn cung nên Hiệp hội phải thận trọng trong dự báo", ông Nghiêm Xuân Đa cho biết.

Còn theo BSC giá thép trong đà tăng mạnh kể từ đầu năm 2021. Trong khi giá thép dài về lại mức đỉnh năm 2018 thì giá thép dẹt, đại diện bởi thép cuộn cán nóng đã vượt đỉnh 10 năm, đặc biệt là giá tại Mỹ và EU.

"Chu kỳ tăng giá thép sẽ còn tiếp diễn đến nửa cuối năm 2021 nhờ vào những diễn biến đang diễn ra tại các thị trường lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ và EU", BSC nhận định.

Dù giá thép tăng nhưng đại diện VSA khẳng định với năng lực sản xuất của ngành thép, Việt Nam hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu thị trường

Cụ thể, theo ông Đa, thép xây dựng sản xuất mỗi năm khoảng 17-18 triệu tấn, nhưng nhu cầu chỉ 10,5 triệu tấn, năng lực sản xuất của ngành thép hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu. Nhưng vấn đề là nguyên liệu sản xuất phải phụ thuộc vào thị trường thế giới nhu sắt, thép phế, than, vật tư... 

Trước tình hình giá thép liên tục tăng và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) vừa có "đơn kêu cứu" gửi văn phòng Chính phủ vì lo ngại nguy cơ vỡ trận, phá sản khi tình hình giá thép tăng đột biến một cách phi mã trong quý I/2021, đặc biệt là những ngày tháng 4 này.

"Các nhà thầu xây dựng đều vấp phải khó khăn, không có cách tháo gỡ do các chủ đầu tư không phải vốn nhà nước đa số đều sử dụng loại hợp đồng đơn giá cố định không điều chỉnh ở thời điểm ký (trừ trường hợp bất khả kháng). Vì vậy, các nhà thầu phải tự giải quyết sự thâm hụt lớn này", VACC cho hay.

Trong khi đó, Hiệp hội thép Việt Nam cũng đã kiến nghị đối với các doanh nghiệp nhằm ứng phó với diễn biến khó khăn hiện nay đó là cần đẩy mạnh sản xuất, phát huy tối đa công suất để cung ứng cho thị trường, cắt giảm chi phí, phối hợp trong chuỗi cung ứng để giảm giá thành, ổn định thị trường.

Như Huỳnh

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.