Mỹ cấp phép điều trị huyết tương cho bệnh nhân COVID-19
Tại buổi họp báo tại Nhà Trắng hôm 23/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố việc phê duyệt này: "Đây là điều tôi đã mong chờ được thực hiện từ lâu. Hôm nay, tôi vui mừng được đưa ra một thông báo mang tính lịch sử trong cuộc chiến chống lại virus corona và điều này sẽ cứu sống vô số mạng sống".
Huyết tương được cho là chứa các kháng thể mạnh mẽ có thể giúp chống lại Covid-19 nhanh hơn và giúp bảo vệ người nhiễm khỏi bị tổn thương nghiêm trọng.. FDA đã trích dẫn bằng chứng ban đầu cho thấy huyết tương có thể làm giảm tỉ lệ tử vong và cải thiện sức khỏe của bệnh nhân COVID-19 khi được sử dụng trong ba ngày đầu tiên nhập viện.
Cơ quan này cũng cho biết họ xác định đây là cách tiếp cận an toàn sau khi phân tích 20.000 bệnh nhân đã được điều trị. Theo FDA, tính đến nay, 70.000 bệnh nhân COVID-19 đã được điều trị bằng huyết tương của người khỏi bệnh.
"Đây là một liệu pháp mạnh mẽ, truyền các kháng thể rất mạnh từ máu của những bệnh nhân đã hồi phục để điều trị cho bệnh nhân đang chống chọi với căn bệnh truyền nhiễm", ông Trump nói.
Tổng thống Trump nói việc phê duyệt phương pháp này là "bước đột phá lịch sử". Tuy nhiên, không dễ để có nhiều huyết tương của người khỏi bệnh COVID-19.
Dẫu vậy, nhiều nhà nghiên cứu coi đó là một chiến lược tiềm năng cho đến khi có phương pháp điều trị hiệu quả hơn hoặc khi vắc xin COVID-19 ra đời.
"Sản phẩm này có thể có hiệu quả trong việc điều trị Covid-19 và ... những lợi ích đã biết và tiềm năng của sản phẩm lớn hơn những rủi ro đã biết và tiềm ẩn của sản phẩm ", FDA cho biết trong một tuyên bố.
Mặc dù phương pháp điều trị đã được áp dụng với nhiều bệnh nhân ở Mỹ và các quốc gia khác, nhưng mức độ hiệu quả của nó vẫn gây nhiều tranh luận và một số người cảnh báo rằng có thể có tác dụng phụ.
Len Horovitz, chuyên gia về phổi tại Bệnh viện Lenox Hill ở thành phố New York cho biết: "Huyết tương của người khỏi COVID-19 có thể có tác dụng, dù điều này vẫn cần được chứng minh trong các thử nghiệm lâm sàng, nhưng không phải là phương pháp điều trị cho bệnh nhân nặng".
Theo thống kê của trang cập nhật dữ liệu thời gian thực Worldometers, tính đến nay, Mỹ vẫn là vùng dịch lớn nhất thế giới với tổng 5.872.531 ca nhiễm và 180.570 người tử vong.