Quý I/2025: Hải Phòng tăng trưởng GRDP cao thứ 6 cả nước, thu ngân sách gần 50.000 tỷ đồng
Quý I/2025, tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) của Hải Phòng ước tăng 11,07% so với cùng kỳ năm trước, xếp thứ 6 cả nước và thứ hai vùng đồng bằng sông Hồng.
Mặc dù đây là mức tăng trưởng cao so với bình quân chung của cả nước và cao nhất của quý I kể từ năm 2022 đến nay nhưng vẫn thấp hơn so với mục tiêu thành phố đề ra (mục tiêu tăng 12,5%).

Tốc độ tăng trưởng GRDP quý I các năm từ 2021 - 2025. (Nguồn: AM tổng hợp từ Chi cục Thống kê Hải Phòng).
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,52%, đóng góp 0,04 điểm % vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 12,74%, đóng góp 7,03 điểm %; khu vực dịch vụ tăng 9,4%, đóng góp 3,46 điểm %; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 10%, đóng góp 0,54 điểm %.
IIP tăng 15,06%
Về hoạt động sản xuất công nghiệp, Hải Phòng tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng cao trong những tháng đầu năm nay. Cụ thể, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 3 của tháng phố ước tính tăng 16,98% so với tháng trước và tăng 14,93% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung quý I năm nay, IIP ước tăng 15,06% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành khai khoáng giảm 15,59%, làm giảm 0,03 điểm %; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 16,18%, đóng góp 15,67 điểm %; ngành sản xuất, phân phối điện giảm 8,32%, tác động làm giảm 0,6 điểm %; ngành cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 2,53%, đóng góp 0,02 điểm % vào mức tăng chung.

IIP quý I/2025. (Nguồn: AM tổng hợp từ Chi cục Thống kê Hải Phòng).
Thu hút gần 400 triệu USD vốn FDI
Khu vực vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tiếp tục là điểm sáng của bức tranh kinh tế Hải Phòng, với tổng vốn FDI thu hút trên toàn thành phố tính từ đầu năm đến hết tháng 3 đạt 372,03 triệu USD.
Cụ thể, thành phố có 34 dự án đăng ký cấp mới, với tổng vốn đầu tư đạt 272,17 triệu USD; 20 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn, với tổng vốn tăng thêm là 97,77 triệu USD. Ở chiều ngược lại, có 5 dự án thu hồi/chấm dứt hoạt động.
Chi cục Thống kê Hải Phòng cho biết thêm, vốn đầu tư khu vực FDI thực hiện trong quý I năm nay ước đạt 22.362,2 tỷ đồng, tăng 8,44% so với cùng kỳ.

Tổng vốn FDI thu hút trong quý I các năm từ 2021 - 2025. (Nguồn: AM tổng hợp từ Chi cục Thống kê Hải Phòng; Cục Đầu tư nước ngoài).
Vốn đăng ký thành lập doanh nghiệp mới giảm gần 32%
Trong ba tháng đầu năm, toàn thành phố ước tính có 776 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký ước đạt 3.612 tỷ đồng, giảm 6,05% về số doanh nghiệp và giảm 31,86% về vốn so với cùng kỳ năm trước. Trong đó , số chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh thành lập mới là 575 cơ sở.
Ở chiều ngược lại, toàn thành phố có 1.153 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh trong quý I. Ngoài ra, số doanh nghiệp dự kiến thực hiện thủ tục giải thể là 141 và chấm dứt hoạt động đối với các đơn vị phụ thuộc là 201 cơ sở.
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 14,3%
Tính riêng tháng 3, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ của Hải Phòng ước đạt 34.395,5 tỷ đồng, tăng 3,35% so với tháng trước, tăng 14,62% so với cùng kỳ năm trước
Luỹ kế ba tháng quý I, ước tính tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 61.360 tỷ đồng, tăng 14,30% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, doanh thu bán lẻ ước đạt 51.753,5 tỷ đồng, tăng 14,63%; doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 572,6 tỷ đồng, tăng 17,03%; doanh thu dịch vụ ăn uống ước đạt 6.242,9 tỷ đồng, tăng 14,91% và doanh thu dịch vụ khác ước đạt 2.752,2 tỷ đồng, tăng 6,73%.
Du lịch đón 1,81 triệu lượt khách quốc tế
Hoạt động du lịch của Hải Phòng tiếp tục khởi sắc trong quý I. Theo đó, so với cùng kỳ năm trước, tổng lượng khách do các cơ sở lưu trú và lữ hành tại thành phố phục vụ tăng 1 tăng 12,29%, ước đạt 1,81 triệu lượt. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 241.600 lượt, tăng 0,25% so với cùng kỳ.
CPI tăng 2,77%
Theo báo cáo, so với tháng trước, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 của thành phố giảm 0,21%. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có 4 nhóm có chỉ số giá giảm và 6 nhóm có chỉ số giá tăng so với tháng trước.
So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 3 tăng 2,57%, với 8/11 nhóm hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng chính tăng giá và ba nhóm giảm giá. So với tháng 12/2024, CPI tháng 3 tăng 1,15%, với 7/11 nhóm hàng tăng giá và ba nhóm giảm giá.
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân quý I/2025 tăng 2,77% so với cùng kỳ.
Thu ngân sách gần 50.000 tỷ đồng
Quý I năm nay, ước tính tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố đạt 47.873,4 tỷ đồng, bằng 40,54% dự toán HĐND và tăng 44,16% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu nội địa đạt 28.537,7 tỷ đồng, bằng 55,96% dự toán và tăng 48,2%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 18.742,7 tỷ đồng, bằng 29,89% dự toán và tăng 44,04%.
Về chi ngân sách, tổng chi ngân sách địa phương quý I ước đạt 7.751,6 tỷ đồng, bằng 16,71% dự toán Hội đồng nhân dân thành phố và tăng 28,86% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tổng chi đầu tư phát triển đạt 3.283 tỷ đồng, bằng 12,9% dự toán và tăng 28,86%; chi thường xuyên đạt 4.463,6 tỷ đồng, đạt 22,94% dự toán và tăng 33,04%.
Dư nợ tín dụng tăng gần 30%
Về hoạt động của các tổ chức tín dụng tại thành phố, ước tính đến ngày 31/3, tổng nguồn vốn huy động đạt 368.500 tỷ đồng, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn huy động bằng VND ước đạt 349.033 tỷ đồng, tăng 10,69% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 94,72%; ngoại tệ ước đạt 19.467 tỷ đồng, tăng 25,21%, chiếm tỷ trọng 5,28%.
Tính đến hết tháng 3, tổng dư nợ cho vay tại Hải Phòng ước đạt 266.680 tỷ đồng, tăng 29,22% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, cho vay bằng VND ước đạt 253.180 tỷ đồng, tăng 30,09% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 94,94%; cho vay ngoại tệ (quy đổi VND) ước đạt 13.500 tỷ đồng, tăng 14,89% và chiếm tỷ trọng 5,06%.