|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hà Nội tăng trưởng GRDP quý I cao nhất 5 năm, thu ngân sách tăng gần 70%

09:46 | 08/04/2025
Chia sẻ
Quý I/2025, tổng thu ngân sách Nhà nước tại Hà Nội đạt 250.100 tỷ đồng, bằng 49,5% dự toán pháp lệnh năm và tăng 69,3% so với cùng kỳ năm 2024.

Theo báo cáo của Chi cục Thống kê Hà Nội, quý I năm nay, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố ước tính tăng 7,35% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức tăng cao trong 5 năm gần đây.

Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tăng 3,09%, đóng góp 0,06 điểm % vào mức tăng chung; khu vực công nghiệp, xây dựng ước tăng 5,54%, đóng góp 0,96 điểm %; khu vực dịch vụ ước tăng 8,34%, đóng góp 5,82 điểm %; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm ước tăng 4,69%, đóng góp 0,51 điểm %

Về cơ cấu GRDP quý I, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 2,05%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 17,83%; khu vực dịch vụ chiếm 69,99%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,13% . Quý I/2024, cơ cấu GRDP tương ứng là: 2,08%; 18,39%; 69,14% và 10,39%.

Cơ cấu GRDP quý I. (Nguồn: AM tổng hợp từ Chi cục Thống kê Hà Nội).

Thu ngân sách tăng 69,3%

Dẫn số liệu từ Sở Tài chính, Chi cục Thống kê Hà Nội cho biết, tổng thu ngân sách Nhà nước của thành phố trong quý I năm nay đạt 250.100 tỷ đồng, bằng 49,5% dự toán pháp lệnh năm và tăng 69,3% so với cùng kỳ năm 2024.

Trong đó, thu nội địa đạt 241.500 tỷ đồng, bằng 51% dự toán và tăng 70,6%; thu từ dầu thô đạt 800 tỷ đồng, bằng 18,6% dự toán và giảm 33%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 7.800 tỷ đồng, bằng 28,7% dự toán và tăng 55%.

 

Tình hình thu, chi ngân sách quý I/2025. (Nguồn: Chi cục Thống kê Hà Nội).

Chi ngân sách địa phương quý I ước thực hiện 23.100 tỷ đồng, bằng 13,9% dự toán năm và tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chi đầu tư phát triển ước thực hiện 7.900 tỷ đồng, bằng 9,1% dự toán và tăng 1,8%; chi thường xuyên ước thực hiện 15.200 tỷ đồng, bằng 21,5% dự toán và tăng 25,9%.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,3%

Theo đánh giá của Chi cục Thống kê Hà Nội, hoạt động sản xuất công nghiệp tại thành phố những tháng đầu năm tiếp tục xu hướng tăng trưởng tích cực. Tính riêng tháng 3, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 6,5% so với tháng trước và tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước.

Bình quân quý I, IIP ước tính tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,4%; sản xuất và phân phối điện tăng 4,8%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 2,2%; khai khoáng giảm 5,4%.

IIP bình quân quý I/2025 so với bình quân quý I/2024. (Nguồn: AM tổng hợp từ Chi cục Thống kê Hà Nội).

Thu hút 1,4 tỷ USD vốn FDI

Trong tháng 3 vừa qua, thành phố đã thu hút 312,7 triệu USD vốn FDI. Trong đó, có 29 dự án được cấp phép mới với tổng vốn đăng ký đạt 9,1 triệu USD; có 9 lượt điều chỉnh tăng vốn dự án đầu tư với số vốn đăng ký tăng thêm đạt 126,2 triệu USD; nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua phần cổ phần 27 lượt, đạt 177,4 triệu USD. 

Tính chung quý I, Hà Nội thu hút khoảng 1,42 tỷ USD vốn FDI, tăng 49,5% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, có 81 dự án đăng ký cấp mới với số vốn đạt 29 triệu USD; 34 dự án bổ sung tăng vốn với khoảng 1,17 tỷ USD; 83 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần đạt 221 triệu USD.

Tổng vốn FDI thu hút trong quý I các năm từ 2021 - 2025. (Nguồn: AM tổng hợp từ Chi cục Thống kê Hà Nội).

Số doanh nghiệp giải thể tiếp tục tăng

Trong quý I, thành phố đã cấp giấy chứng nhận cho 5.600 doanh nghiệp thành lập mới với vốn đăng ký 44.600 tỷ đồng, giảm 18,7% về số lượng doanh nghiệp và giảm 38,1% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; 3.900 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 5%.

Ở chiều ngược lại, toàn thành phố có 14.600 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 18,1%; 1.400 doanh nghiệp giải thể, tăng 25,5%. 

Tình hình hoạt động doanh nghiệp quý I/2025. (Nguồn: Chi cục Thống kê Hà Nội).

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 13,3%

Chi cục Thống kê Hà Nội cho biết, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3 ước tính đạt 74.800 tỷ đồng, tăng 2% so với tháng trước và tăng 14,3% so với cùng kỳ năm trước. 

Luỹ kế ba tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 226.300 tỷ đồng, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, trong quý I, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 145.100 tỷ đồng, tăng 12,5%; doanh thu khách sạn, nhà hàng đạt 29.700 tỷ đồng, tăng 17,5%; dDoanh thu du lịch lữ hành đạt 7.600 tỷ đồng, tăng 22,7%; doanh thu dịch vụ khác đạt 43.900 tỷ đồng, tăng 11,8%.

Cơ cấu tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I/2025. (Nguồn: AM tổng hợp từ Chi cục Thống kê Hà Nội).

Du lịch đón hơn 1,3 triệu lượt khách quốc tế

Riêng về hoạt động du lịch, tính chung quý I, khách du lịch đến Hà Nội đạt hơn 1,83 triệu lượt người, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách quốc tế đạt 1,32 triệu lượt người, tăng 17,3%; khách nội địa ước đạt 509.000 lượt người, tăng 22,5%.

Về quy mô thị trường, Hàn Quốc là thị trường gửi khách tới Hà Nội lớn nhất, đạt 140.900 lượt người, tăng 5,4%; Trung Quốc đạt 130.400 lượt người, tăng 10,7%; Mỹ đạt 105.000 lượt người, tăng 20,1%; Nhật Bản đạt 74.800 lượt người, tăng 19,7%; Đức đạt 58.100 lượt người, tăng 15,3%.

 

Khách du lịch đến Hà Nội trong quý I/2025. (Nguồn: Chi cục Thống kê Hà Nội).

Nhập siêu 5,68 tỷ USD

Đối với hoạt động xuất nhập khẩu, tổng kim ngạch quý I năm nay của Hà Nội ước đạt 14,3 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước và đạt cao nhất trong nhiều năm gần đây.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu quý I năm nay của Hà Nội ước đạt 4,32 tỷ USD, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 10 tỷ USD, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại nhập siêu 5,68 tỷ USD.

Kim ngạch xuất, nhập khẩu quý I/2025. (Nguồn: Chi cục Thống kê Hà Nội).

CPI tăng 2,75%

Theo báo cáo, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 tăng nhẹ 0,08% so với tháng trước, tăng 0,98% so với tháng 12/2024 và tăng 2,69% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân quý I năm nay, CPI tăng 2,75% so với bình quân cùng kỳ năm 2024.

Trong quý I, Hà Nội ghi nhận 8/11 nhóm hàng hoá và dịch vụ có chỉ số giá tăng, trong đó tác động nhiều nhất là nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 19,9%. Ba nhóm có chỉ số giá bình quân giảm so với cùng kỳ là nhóm giáo dục giảm 7,68%, giao thông giảm 2,11% và bưu chính viễn thông giảm 0,86%.

CPI bình quân quý I/2025 so với bình quân quý I/2024. (Nguồn: AM tổng hợp từ Chi cục Thống kê Hà Nội).

Nợ xấu chiếm 1,79% tổng dư nợ

Về hoạt động tín dụng, ước đến cuối quý I, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tính dụng trên địa bàn thành phố đạt 6,09 triệu tỷ đồng, tăng 0,54% so với thời điểm kết thúc năm 2024. Trong đó, tiền gửi đạt 5,36 triệu tỷ đồng, tăng 0,29%; phát hành giấy tờ có giá đạt 730.000 tỷ đồng, tăng 2,41%.

Tính đến hết quý I, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn Hà Nội đạt 4,61 triệu tỷ đồng, tăng 2,32% so với thời điểm kết thúc năm 2024. Trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 1,96 triệu tỷ đồng, tăng 1,68%; dư nợ trung hạn và dài hạn đạt 2,65 triệu tỷ đồng, tăng 2,8%. Tỷ lệ nợ xấu chiếm 1,79% trong tổng dư nợ.

Tín dụng ngân hàng tính đến hết quý I/2025. (Nguồn: Chi cục Thống kê Hà Nội).

Tình hình thực hiện một số công trình trọng điểm

Thông tin về một số công trình trọng điểm trên địa bàn, Chi cục Thống kê Hà Nội cho biết, dự án đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô đang dần hình thành, đã giải ngân 14,9% kế hoạch vốn; dự án đường Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục (giai đoạn 1) đã giải ngân 50,9% kế hoạch vốn; dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai đã giải ngân 16,5% kế hoạch vốn; dự án tuyến đường cao tốc Đại Lộ Thăng Long, đoạn nối từ Quốc lộ 21 đến cao tốc Hà Nội - Hoà Bình đã giải ngân 24,6% kế hoạch vốn.

Anh My

Thống đốc NHNN: Diễn biến tỷ giá phức tạp, khó lường sau khi Mỹ tuyên bố áp thuế đối ứng
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết thị trường tài chính tiền tệ diễn biến phức tạp hàng ngày hàng giờ. Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường để điều hành các công cụ, giải pháp với thời điều và liều lượng hợp lý.