GRDP quý I tăng cao nhất kể từ 2020 đến nay, 'đầu tàu' kinh tế TP HCM đang phát triển ra sao?
Quý I năm nay, tổng sản phẩm trên địa bàn TP HCM (GRDP) ước đạt 457.617 tỷ đồng theo giá hiện hành và đạt 291.816 tỷ đồng theo giá so sánh năm 2010, tăng 7,51% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ của quý I kể từ năm 2020 đến nay, theo Chi cục Thống kê TP HCM.

Tốc độ tăng trưởng GRDP quý I các năm từ 2020 - 2025. (Nguồn: AM tổng hợp từ Chi cục Thống kê TP HCM).
Về cơ cấu nền kinh tế, TP HCM vẫn duy trì theo hướng hiện đại với tỷ trọng ngành dịch vụ chiếm tới 66,5%; các ngành công nghiệp, xây dựng; ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm tỷ trọng lần lượt là 20,1%, 0,5% và 12,9%.

Cơ cấu GRDP quý I/2025. (Nguồn: AM tổng hợp từ Chi cục Thống kê TP HCM).
IIP tăng 6,8% so với cùng kỳ
Trong tháng 3, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố tiếp tục tăng trưởng tích cực với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 13,1% so với tháng trước và tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung quý I năm nay, IIP tại TP HCM tăng 6,8% so với cùng kỳ, với cả 4 ngành công nghiệp cấp I đều đạt tăng trưởng dương.

IIP quý I/2025 so với IIP quý I/2024. (Nguồn: AM tổng hợp từ Chi cục Thống kê TP HCM).
Doanh nghiệp tham gia thị trường giảm 20,8%
Thống kê của Sở Tài chính TP HCM cho thấy môi trường kinh doanh tại địa phương chưa có chuyển biến tích cực khi trong ba tháng đầu năm, số doanh nghiệp tham gia vào thị trường giảm 20,8% và số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng 10,4% so với cùng kỳ.
Cụ thể, tính từ đầu năm đến ngày 20/3, thành phố đã cấp phép cho 6.632 doanh nghiệp với vốn đăng ký đạt 42.014 tỷ đồng, giảm 39,7% về giấy phép và giảm tới 55,2% về vốn so với cùng kỳ.

Tình hình cấp phép thành lập doanh nghiệp trong quý I/2025. (Nguồn: Chi cục Thống kê TP HCM).
Trong số các doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, có đến 82,7% doanh nghiệp thành lập mới hoạt động ngành thương mại - dịch vụ, 17,1% doanh nghiệp ngành công nghiệp – xây dựng và 0,2% doanh nghiệp ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản.
Phân theo loại hình doanh nghiệp, có 91,5% doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là công ty TNHH; công ty cổ phần chiếm 7,8%; doanh nghiệp tư nhân chiếm 0,7%.
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 14,2%
Tại báo cáo, Chi cục Thống kê TP HCM đánh giá sức mua trên thị trường trong quý I năm nay đã có nhiều tín hiệu khởi sắc khi duy trì mức tăng trưởng khá. Riêng tháng 3, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của thành phố ước đạt 109.988 tỷ đồng, tăng 10,3% so với tháng trước và tăng 17,5% so với cùng kỳ.
Tính chung quý I, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 316.632 tỷ đồng, tăng 14,2% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hoá ước tăng 11,1% so với cùng kỳ, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống ước tăng 25,6%, doanh thu dịch vụ lữ hành tăng 13,6%, doanh thu dịch vụ khác tăng 14,8%.

Cơ cấu tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I/2025. (Nguồn: AM tổng hợp từ Chi cục Thống kê TP HCM).
Khách quốc tế ước đạt 1,64 triệu lượt
Về hoạt động du lịch lữ hành, báo cáo của Sở Du lịch TP HCM cho thấy số lượng du khách đến thành phố tiếp tục giữ đà tăng trưởng tích cực trong quý I năm nay.
Theo đó, khách quốc tế đến TP HCM trong ba tháng ước đạt 1,64 triệu lượt, tăng 18,2% so cùng kỳ năm 2024 và bằng 19,2% kế hoạch năm 2025; khách du lịch nội địa ước đạt 8,57 triệu lượt, tăng 6,3% so cùng kỳ năm 2024 và bằng 19,1% kế hoạch năm 2025.
CPI tăng 4,17%
Theo Chi cục Thống kê TP HCM, việc giá nhà ở thuê và giá thịt heo tiếp tục tăng cao là một trong những nguyên nhân góp phần làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) quý I tăng 0,3% so với tháng trước, tăng 4,38% so với cùng kỳ năm trước và CPI bình quân quý I tăng 4,17% so với cùng kỳ.
So với bình quân quý I/2024, TP HCM có 8/11 nhóm hàng hoá và dịch vụ có chỉ số giá tăng, với mức cao nhất là 17,1% thuộc về nhóm thuốc và dịch vụ y tế.

CPI quý I/2025 so với quý I/2024. (Nguồn: AM tổng hợp từ Chi cục Thống kê TP HCM).
Thu ngân sách hơn 150.000 tỷ đồng
Trong quý I năm nay, tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố ước đạt 151.097 tỷ đồng, bằng 29,1 dự toán và tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, thu nội địa ước đạt 118.385 tỷ đồng, bằng 31,9% dự toán và chiếm 78,3% tổng thu cân đối; thu dầu thô ước đạt 4.983 tỷ đồng, bằng 27,7% dự toán và chiếm 3,3% tổng thu cân đối; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 27.728 tỷ đồng, bằng 21,3% dự toán và chiếm 18,4% tổng thu cân đối.

Tình hình thu ngân sách Nhà nước quý I/2025. (Nguồn: Chi cục Thống kê TP HCM).
Ở chiều ngược lại, tổng chi ngân sách địa phương (trừ tạm ứng) trong quý I ước thực hiện 15.111 tỷ đồng, bằng 8,7% dự toán và tăng 9,5% so với cùng kỳ. Cụ thể, chi đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách địa phương ước thực hiện 3.033 tỷ đồng, bằng 3,7% dự toán; chi thường xuyên ước thực hiện 11.893 tỷ đồng, bằng 14,7%.

Tình hình chi ngân sách địa phương quý I/2025. (Nguồn: Chi cục Thống kê TP HCM).
Dư nợ tín dụng tăng 11,2% so với cùng kỳ
Về tình hình hoạt động của các tổ chức tín dụng, Chi cục Thống kê cho biết, tổng vốn huy động trên toàn thành phố tính đến ngày 31/3 ước đạt 4,04 triệu triệu tỷ đồng, tăng 0,7% so với tháng trước và tăng 14% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng vốn huy động và dư nợ tín dụng phân theo loại tiền tệ ước tính đến ngày 31/3. (Nguồn: Chi cục Thống kê TP HCM).
Tổng dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng tính đến cuối tháng 3 ước đạt 3,98 triệu tỷ đồng, tăng 1% so với tháng trước và tăng 11,2% so với cùng kỳ. Phân theo kỳ hạn tín dụng, dư nợ ngắn hạn ước đạt 1,87 triệu tỷ đồng, chiếm 47,1% tổng dư nợ tín dụng, tăng 1% so với tháng trước và tăng 9,8% so với cùng kỳ; dư nợ trung hạn, dài hạn ước đạt 2,1 triệu tỷ đồng, chiếm 52,9% tổng dư nợ, tăng 1% so với tháng trước và tăng 12,5% so với cùng kỳ.
Tình hình thực hiện một số công trình trọng điểm
Năm nay, TP HCM bố trí khoảng 36.433 tỷ đồng vốn đầu tư công cho lĩnh vực giao thông, chiếm 43% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025 của thành phố.
Hiện tại, một số dự án đã thực hiện được phần lớn khối lượng công việc, như: dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 sân bay Tân Sơn Nhất đạt hơn 90%, đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hoà đạt hơn 90%, nút giao An Phú đạt hơn 63%, dự án thành phần 1 đường Vành đai 3 TP HCM đạt hơn 32% kế hoạch.
Ngoài ra, trong năm nay, TP HCM dự kiến sẽ khởi công xây dựng tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương với tổng mức đầu tư gần 47.900 tỷ đồng, dài hơn 11 km.
Đối với tuyến metro số 2, đến nay, thủ tục bồi thường giải phóng mặt bằng dự án đã cơ bản hoàn thành nhưng công tác di dời hạ tầng kỹ thuật tại 12 vị trí nhà ga với tiến độ chỉ đạt hơn 35% kế hoạch, tiến độ thi công dự án chưa đạt theo kế hoạch đề ra do còn một số vướng mắc. Dự án dự kiến sẽ bàn giao mặt bằng sạch trong quý III và khởi công hạng mục chính vào tháng 12 năm nay.