Môi trường kiểm soát (Control environment) là gì? Các yếu tố của môi trường kiểm soát
Hình minh họa. Nguồn: vobmapping
Môi trường kiểm soát (Control environment)
Định nghĩa
Môi trường kiểm soát tiếng Anh là Control environment.
Môi trường kiểm soát được định nghĩa như sau: "Môi trường kiểm soát là những nhận thức, quan điểm, sự quan tâm và hoạt động của thành viên Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc đối với hệ thống kiểm soát nội bộ và vai trò của hệ thống kiểm soát nội bộ trong đơn vị".
(Theo Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam VSA 400)
Những yếu tố của môi trường kiểm soát
Đặc thù quản lí
Là những quan điểm, phong cách điều hành và triết lí của nhà quản lí cấp cao ở đơn vị được kiểm toán. Quan điểm chỉ đạo kinh doanh quá chú trọng lợi nhuận thì sẽ làm suy giảm tính hiệu lực của các quá trình kiểm soát nội bộ.
Cơ cấu tổ chức
Trong một đơn vị, cơ cấu tổ chức phản ánh việc phân chia trách nhiệm, quyền lợi, nghĩa vụ giữa các thành viên trong tổ chức cũng như chỉ mối quan hệ giữa mọi người về sự phối hợp, hợp tác, kiểm soát và chia sẻ thông tin trong nội bộ của tổ chức. Cơ cấu tổ chức hợp lí giúp cho việc kiểm soát lẫn nhau giữa các thành viên được thực hiện chặt chẽ hơn cũng như giúp cho việc thực hiện các chỉ đạo điều hành của nhà quản lí trở nên thông suốt.
Chính sách nhân sự
Trong hoạt động kiểm soát, con người là yếu tố quan trọng nhất do con người là chủ thể trong mọi hoạt động của tổ chức. Nếu các thành viên trong tổ chức có năng lực và trung thực thì không cần thiết phải tạo ra nhiều quá trình kiểm soát cũng có thể đảm bảo được các hoạt động trong đơn vị được thực hiện tốt, đảm bảo cho báo cáo tài chính được thực hiện đáng tin cậy. Nhưng nếu các nhân viên, lao động trong tổ chức không đáng tin cậy và yếu kém về năng lực thì các quá trình kiểm soát thành không hiệu quả.
Công tác kế hoạch
Một hệ thống kế hoạch thống nhất bao gồm kế hoạch sản xuất, kỹ thuật và tài chính. Trong đó một kế hoạch tài chính chắc chắc và ổn định là điều kiện quan trọng để kiểm soát nội bộ tốt.
Bộ phận kiểm toán nội bộ
Bộ phận này có chức năng giám sát, kiểm tra, đánh giá thường xuyên mọi hoạt động của đơn vị. Tuy nhiên bộ phận này chỉ phát huy tác dụng nếu được giao quyền hạn đầy đủ và giữ được tính độc lập so với các bộ phận khác trong đơn vị.
Các nhân tố bên ngoài
Các nhân tố này bao gồm: trách nhiệm pháp lí, ảnh hưởng của các cơ quan nhà nước và của chủ nợ.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Lý thuyết kiểm toán, NXB Tài chính)