|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Môi trường cạnh tranh (Competitive Environment) là gì? Nghiên cứu về môi trường cạnh tranh

09:28 | 13/12/2019
Chia sẻ
Cạnh tranh luôn đi cùng với cơ chế thị trường. Ngày nay, số lượng các quốc gia theo cơ chế thị trường ngày càng gia tăng và họat động cạnh tranh từ đó ngày càng phức tạp và khốc liệt hơn. Mỗi quốc gia đều cố gắng xây dựng cho mình một cơ chế thị trường riêng. Từ đó, môi trường cạnh tranh (tiếng Anh: Competitive Environment) của các quốc gia khác nhau cũng khác nhau.
1ef2b52f5510ac4ef501

Môi trường cạnh tranh

Khái niệm

Môi trường cạnh tranh trong tiếng Anh là Competitive Environment.

Hiện nay, vẫn chưa có sự thống nhất trong cách hiểu về môi trường cạnh tranh. Hiểu theo nghĩa hẹp, môi trường cạnh tranh là nơi các doanh nghiệp trực tiếp có mối quan hệ liên kết kinh tế với nhau và cạnh tranh lẫn nhau.

Nghiên cứu về môi trường cạnh tranh

Nghiên cứu cạnh tranh của các quốc gia cần tập trung vào các khía cạnh sau:

+ Đặc trưng môi trường cạnh tranh chung: bao gồm các qui định liên quan đến cạnh tranh trên thị trường quốc gia và quốc tế, các qui định, hiệp định về cạnh tranh giữa các quốc gia, hiệp hội, khu vực thị trường…

+ Các qui định liên quan đến điều kiện cạnh tranh chung và cạnh tranh ngành như các qui định cạnh tranh không lành mạnh, các rào cản gia nhập ngành kinh doanh…

+ Các áp lực cạnh tranh trên thị trường từ các doanh nghiệp khác nhau, cũng như áp lực từ khách hàng đến doanh nghiệp…

+ Nghiên cứu các mức độ cạnh tranh như cạnh tranh về nhu cầu, cạnh tranh về mong muốn, cạnh tranh giữa các loại sản phẩm cùng loại và cạnh tranh giữa các nhãn hiệu sản phẩm.

+ Các đối thủ cạnh tranh: đối thủ cạnh tranh trên thị trường có thể được chia thành 4 loại: đối thủ cạnh tranh dẫn đầu thị trường (marketleader), đối thủ cạnh tranh thách thức thị trường (Marketchallanger), đối thủ cạnh tranh theo sau (marketfollower) và đối thủ cạnh tranh thị trường ngách (Marketnicher).

Việc nghiên cứu môi trường cạnh tranh giúp doanh nghiệp nắm vững các qui định trên thị trường liên quan đến cạnh tranh, các đối thủ cạnh tranh, các áp lực cạnh tranh… từ đó đề xuất các chiến lược cạnh tranh của doanh nghiệp phù hợp và có hiệu quả.

Trong kinh doanh quốc tế, đối thủ cạnh tranh của một doanh nghiệp cần phải được xác định rõ ràng. Đối thủ cạnh tranh quốc tế của doanh nghiệp là các doanh nghiệp không cùng quốc gia. 

Ví dụ như, đối thủ cạnh tranh của các doanh nghiệp may mặc Việt Nam là các doanh nghiệp Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc mà không phải là doanh nghiệp may Việt Nam.

Cấu trúc doanh nghiệp cạnh tranh cũng là một trong những vấn đề cần nghiên cứu. Cấu trúc keiretsu của các doanh nghiệp Nhật Bản, là cấu trúc kinh doanh được nghiên cứu nhiều nhất trên thế giới trong thời gian qua. Giới kinh doanh cho rằng đây là cấu trúc của các doanh nghiệp trong tương lai.

Cấu trúc doanh nghiệp Keiretsu là một hình thức tổ chức liên kết các doanh nghiệp với nhau trong các nhóm ngành, tạo cho doanh nghiệp vị thế cạnh tranh đáng kể trên thị trường. Loại hình này là đặc trưng của các doanh nghiệp Nhật Bản.

Trong nghiên cứu môi trường cạnh tranh, các doanh nghiệp thường tiến hành phân tích các áp lực cạnh tranh trên thị trường, từ đó có những đối sách phù hợp. Theo giáo sư về chiến lược kinh doanh của trường đại học Haward – Michael Porter, một doanh nghiệp tồn tại trong một ngành kinh doanh trong nước hay quốc tế đều bị tác động bởi 5 áp lực cạnh tranh là:

- Áp lực cạnh tranh của các đối thủ cạnh tranh hiện tại trong cùng một ngành;

- Áp lực cạnh tranh của các doanh nghiệp sẽ gia nhập ngành; 

- Áp lực cạnh tranh của các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm thay thế; 

- Đe doạ từ phía các nhà cung ứng; 

- Áp lực cạnh tranh từ sự trả giá của người mua. 

Trong 5 áp lực trên, áp lực cạnh tranh trong nội bộ ngành sẽ quyết định mức độ đầu tư, cường độ cạnh tranh và mức lợi nhuận ngành. 

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Marketing quốc tế, NXB Lao động – Xã hội)

Đức Nhượng