|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Mô hình tam giác đối xứng (Symmetrical Triangle) là gì? Sự khác biệt của mô hình tam giác đối xứng

15:35 | 07/02/2020
Chia sẻ
Mô hình tam giác đối xứng (tiếng Anh: Symmetrical Triangle) là một mô hình biểu đồ giá đặc trưng với hai đường xu hướng hội tụ nối một loạt các đỉnh và các đáy liên tiếp.
Mô hình tam giác đối xứng (Symmetrical Triangle) là gì? Sự khác biệt của Mô hình tam giác đối xứng - Ảnh 1.

Hình minh họa. Nguồn: Investopedia.com

Mô hình tam giác đối xứng

Khái niệm

Mô hình tam giác đối xứng trong tiếng Anh là Symmetrical Triangle.

Mô hình tam giác đối xứng là một mô hình biểu đồ giá đặc trưng với hai đường xu hướng hội tụ nối một loạt các đỉnh cao nhất và các đáy thấp nhất liên tiếp. Những đường xu hướng này thường hội tụ với độ dốc gần bằng nhau. 

Các đường xu hướng hội tụ với độ dốc không tương tự nhau có thể là một mô hình nêm hướng xuống (falling wedge), mô hình nêm hướng lên (rising wedge), mô hình tam giác tăng dần (Ascending Triangle) hoặc mô hình tam giác giảm dần (Descending Triangle)

Đặc điểm Mô hình tam giác đối xứng 

Biểu đồ giá theo mô hình tam giác đối xứng biểu diễn một giai đoạn hợp nhất trước khi giá buộc phải phá kháng cự (breakout) hoặc phá hỗ trợ (breakdown). 

 - Sự phá hỗ trợ xuống thấp hơn đường xu hướng phía dưới đánh dấu sự khởi đầu của một xu hướng giảm giá mới. 

 - Ngược lại, sự phá kháng cự lên cao hơn đường xu hướng phía trên cho thấy dấu hiệu bắt đầu của một xu hướng tăng giá mới. 

Mô hình tam giác đối xứng là một dạng của mô hình biểu đồ hình cái nêm (wedge pattern). 

Mục tiêu giá cho mức phá kháng cự hoặc mức phá hỗ trợ của mô hình tam giác đối xứng bằng khoảng cách từ mức đỉnh và đáy của phần sớm nhất của mô hình so với điểm giá phá kháng cự. 

Ví dụ, một mô hình tam giác đối xứng bắt đầu ở mức đáy là 10$ và tăng lên 15$ trước khi biên độ giá thu hẹp theo thời gian. Mức phá kháng cự là 12$ sẽ ngụ ý mục tiêu giá mới là 17$ (15$ - 10$ = 5$ + 12$ = 17$).   

Mức dừng lỗ cho mẫu hình mô hình tam giác đối xứng thường nằm ngay dưới điểm phá kháng cự. 

Ví dụ: nếu chứng khoán trên tăng giá từ 12$ với khối lượng giao dịch lớn, các nhà giao dịch thường sẽ đặt mức dừng lỗ ngay dưới 12$. 

Sự khác biệt của Mô hình tam giác đối xứng 

Mô hình tam giác đối xứng khác với mô hình tam giác tăng dần và mô hình tam giác giảm dần ở chỗ đường xu hướng trên và đường xu hướng dưới của mô hình tam giác đối xứng đều dốc về một điểm trung tâm. 

Ngược lại, mô hình tam giác tăng dần có đường xu hướng trên đi ngang, dự đoán mức phá kháng cự tiềm năng cao hơn. Còn mô hình tam giác giảm dần có đường xu hướng dưới đi ngang, dự đoán khả năng phá hỗ trợ thấp hơn. 

Mô hình tam giác đối xứng cũng tương tự như mô hình cờ đuôi nheo và mô hình cờ theo xu hướng trên một số khía cạnh, tuy nhiên các mô hình cờ có đường xu hướng dốc lên thay vì các đường xu hướng hội tụ ở một điểm trung tâm.   

Giống với hầu hết các hình thức phân tích kĩ thuật khác, mô hình tam giác đối xứng hoạt động tốt nhất khi kết hợp với các chỉ báo kĩ thuật và các mô hình biểu đồ giá khác. 

Các nhà giao dịch thường tìm kiếm một chuyển động khối lượng giao dịch lớn như lời khẳng định cho một mức phá kháng cự và cũng có thể sử dụng các chỉ số kĩ thuật khác để xác định thời gian phá kháng cự là khi nào và có thể kéo dài bao lâu. 

Chẳng hạn, chỉ số cường độ tương đối (RSI) có thể được sử dụng để xác định thời điểm chứng khoán trở nên quá mua (overbought) sau khi phá kháng cự.   

Ví dụ về Mô hình tam giác đối xứng 

Biểu đồ sau đây là một ví dụ về mô hình tam giác đối xứng của công ty Northwest Bancshares (NWBI):     

Mô hình tam giác đối xứng (Symmetrical Triangle) là gì? Sự khác biệt của Mô hình tam giác đối xứng - Ảnh 2.

Hình minh họa. Nguồn: Investopedia.com

Trong hình trên, có thể thấy biểu đồ giá Northwest Bancshares đang tạo thành một mô hình tam giác đối xứng là dấu hiệu có thể xuất hiện một mức phá kháng cự mới. 

Mục tiêu giá cho mức phá kháng cự sẽ là: 17,40$ - 15,20$ = 2,20$ + 17,20$ = 19,40$. 

Mức dừng lỗ sẽ là 16,40$ cho mức phá hỗ trợ hoặc 17,20$ cho mức phá kháng cự.   

(Theo Investopedia)

Lê Thảo