|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Mô hình SCP (Structure-conduct-performance paradigm) là gì?

11:06 | 04/12/2019
Chia sẻ
Mô hình SCP (tiếng Anh: Structure-conduct-performance paradigm) là một trong những mô hình nghiên cứu về luật cạnh tranh.
Video-Cover

Hình minh họa (Nguồn: systemsinnovation.io)

Mô hình SCP

Khái niệm

Mô hình SCP trong tiếng Anh gọi là: Structure-conduct-performance paradigm.

Theo mô hình SCP (cấu trúc - structure, hành vi – conduct, và kết quả - performance), các doanh nghiệp trên thị trường có những hành vi khác nhau tùy thuộc vào vị trí của họ. Nếu họ càng thống lĩnh thị trường thì hành vi của họ càng độc lập với hành vi của các doanh nghiệp khác trên thị trường. 

Tóm lại, các doanh nghiệp muốn cạnh tranh với nhau tốt thì Nhà nước phải điều chỉnh cấu trúc của thị trường sao cho không doanh nghiệp nào được nắm giữ một tỉ lệ thị phần quá cao để khuynh đảo thị trường. 

Mô hình "S-C-P" là của nhà kinh tế học người Mỹ Joe Bain (1968)

Lí thuyết của Bain đã có ảnh hưởng sâu rộng đến luật cạnh tranh của hầu hết các nước trên thế giới, khi xem xét hành vi phi cạnh tranh của các doanh nghiệp dựa trên thị phần của các doanh nghiệp đó. 

Bain cũng cho rằng cấu trúc của thị trường không chỉ phụ thuộc vào thị phần mà còn phụ thuộc vào các rào cản thị trường (barrier to entry). Chính việc các doanh nghiệp khó tham gia vào thị trường khiến cho các doanh nghiệp hiện đang ở trong thị trường càng trở nên tự phụ và có cơ hội lạm dụng vị trí thống lĩnh của mình. 

Đối nghịch với cách suy nghĩ của Bain, các nhà kinh tế học thuộc trường phái Chicago, cụ thể là các nhà kinh tế đoạt giải Nobel như George Stigler (1968), Milton Friedman (1970) và các thẩm phán như Robert Bork (1978) và Richard Posner (1989) có cách nhìn khác về cạnh tranh trên thị trường. 

Theo họ, cạnh tranh không phải là mục đích của luật, mà chỉ là công cụ để đem lại lợi ích cho người tiêu dùng. Có nhiều trường hợp cạnh tranh làm người tiêu dùng được hưởng sản phẩm với giá thành hạ. Tuy nhiên cũng như một cuộc đấu bóng đá, cạnh tranh cũng sản sinh ra người thắng kẻ thua. 

Đó là qui luật tự nhiên của Darwin. Không ai có thể đi ngược lại qui luật bằng cách trừng phạt người thắng và nâng đỡ kẻ thua. Cái mà chúng ta có thể làm được là làm sao cho cuộc chơi được tiên hành một cách công bằng. 

Theo Stigler và Bork, một doanh nghiệp khi tham gia vào thị trường đương nhiên làm cơ hội của doanh nghiệp khác nhỏ đi. Ngoài ra, một doanh nghiệp muốn tham gia vào thị trường cũng phải có một số vốn nhât định. 

Vậy những yếu tố như khó khăn tài chính hay cấu trúc thị trường bản thân nó không thể là rào cản thị trường như Bain suy nghĩ. Chỉ có những yếu tố mà một doanh nghiệp có song doanh nghiệp khác không có mới có thể trở thành rào cản thị trường, thí dụ như giấy phép đầu tư hay văn bằng bảo hộ độc quyền sáng chế. 

Ngoài ra, việc một doanh nghiệp chiếm vị trí thống lĩnh do doanh nghiệp đó là doanh nghiệp làm ăn hiệu quả nhất, như Microsoft, hay Kinh Đô của Việt Nam, thì không thể coi họ là mối đe doạ của người tiêu dùng như Bain suy nghĩ. 

Nói tóm lại, luật cạnh tranh chỉ trừng phạt những hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh, chứ không nên đi quá xa tới mức điều chỉnh cả cấu trúc cạnh tranh.

(Tài liệu tham khảo: Kinh tế Luật, TS. Lê Nết, NXB Tri thức, 2006)

Tuyết Nhi