|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Mô hình giám sát tài chính thể chế là gì? Đặc điểm

16:27 | 05/06/2020
Chia sẻ
Mô hình giám sát tài chính thể chế là một trong bốn mô hình giám sát tài chính phổ biến trên thế giới.
Mô hình giám sát tài chính thể chế là gì? Đặc điểm - Ảnh 1.

Hình minh họa (Nguồn: Ua.news)

Mô hình giám sát tài chính thể chế

Khái niệm

Mô hình giám sát tài chính thể chế hay mô hình giám sát thể chế trong tiếng Anh gọi là: Sectoral model.

Mô hình giám sát thể chế là mô hình dựa trên cách tiếp cận truyền thống; theo đó, địa vị pháp lí của tổ chức tài chính sẽ quyết định cơ quan quản lí nào có nhiệm vụ giám sát hoạt động của nó.

Theo cách tiếp cận này, hệ thống tài chính có 3 lĩnh vực: ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm, tương ứng là 3 cơ quan giám sát khác nhau. Trong đó, mỗi cơ quan giám sát toàn diện các lĩnh vực mà mình đảm nhiệm với mục tiêu: đảm bảo nguyên tắc kinh doanh, bảo vệ khách hàng và ổn định hệ thống tài chính.

Một số quốc gia đang áp dụng thành công mô hình này có thể kể đến như Thái Lan, Philippines, Trung Quốc,...

Đặc điểm

Mô hình giám sát thể chế gồm bốn đặc điểm chính:

(i) Tồn tại ba cơ quan riêng biệt giám sát ba mảng thị trường (ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm). Tùy đặc điểm hệ thống chính trị của từng nước mà các cơ quan sẽ trực thuộc các cấp thẩm quyền khác nhau;

(ii) Hoạt động giám sát được chuyên môn hóa. Mỗi cơ quan có những kĩ thuật, nghiệp vụ riêng và hoạt động dưới những qui định, nguyên tắc và chuẩn mực khác nhau;

(iii) Các cơ quan tiến hành giám sát thông qua một chu trình khép kín từ khâu cấp phép, kiểm tra giám sát định kì hoạt động kinh doanh, thanh tra và xử phạt vi phạm đến việc cho phép rút khỏi thị trường (đình chỉ hoặc xóa bỏ tổ chức);

(iv) Việc phối hợp, chia sẻ thông tin giám sát, hạn chế rủi ro hệ thống phải được qui định cụ thể và đảm bảo bằng các văn bản qui phạm pháp luật, các thỏa thuận phối hợp, ghi nhớ...

Mô hình này, thường phổ biến ở những thị trường tài chính chưa thực sự phát triển, năng lực giám sát, hệ thống pháp luật liên quan đến hoạt động giám sát chưa đủ mạnh;

Hệ thống ngân hàng giữ vai trò chủ đạo; phạm vi hoạt động của các định chế tài chính chủ yếu mới nằm trong những hoạt động truyền thống; các sản phẩm tài chính cũng chưa phát triển một cách đa dạng.

(Tài liệu tham khảo: Các mô hình giám sát tài chính phổ biến trên thế giới và liên hệ với Việt Nam, ThS. Nguyễn Thị Hòa, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, 2018)

Tuyết Nhi