|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Mô hình giám sát tài chính lưỡng đỉnh là gì? Ưu và nhược điểm

16:06 | 05/06/2020
Chia sẻ
Mô hình giám sát tài chính lưỡng đỉnh là một trong bốn mô hình giám sát tài chính phổ biến trên thế giới.
Mô hình giám sát tài chính lưỡng đỉnh là gì? Ưu và nhược điểm - Ảnh 1.

HÌnh minh họa (Nguồn: Rob dorscheidt)

Mô hình giám sát tài chính lưỡng đỉnh

Khái niệm

Mô hình giám sát tài chính lưỡng đỉnh trong tiếng Anh gọi là: Twin Peaks model.

Mô hình giám sát tài chính lưỡng đỉnh là mô hình dựa trên nguyên tắc giám sát theo mục tiêu và dẫn đến sự phân chia chức năng giám sát đối với hai cơ quan:

Một cơ quan với chức năng giám sát an toàn (prudent) chịu trách nhiệm đảm bảo sự an toàn của cả hệ thống tài chính, và một cơ quan tập trung vào giám sát hoạt động kinh doanh (conduct-of-business) (các hoạt động cụ thể của các tổ chức tài chính trên thị trường) nhằm bảo vệ lợi ích của khách hàng.

Ưu và nhược điểm

Đây được coi là mô hình tối ưu trong việc đảm bảo sự minh bạch, toàn vẹn thị trường và bảo vệ người tiêu dùng.

Mô hình giám sát lưỡng đỉnh tỏ ra hiệu quả tại những quốc gia có điều kiện kinh tế và thị trường tài chính phát triển (như Đức, Úc, Áo).

Đặc biệt mô hình này cũng được một số quốc gia đã từng áp dụng không thành công mô hình giám sát hợp nhất lựa chọn (như trường hợp của Anh) vì những ưu điểm nhất định trong việc đảm bảo sự minh bạch trong giám sát toàn bộ thị trường.

Ngoài ra, việc xây dựng một hệ thống luật giám sát bao gồm nhiều luật khác nhau nhằm điều chỉnh phạm vi và qui định vai trò giám sát của từng cơ quan cũng là điều kiện quan trọng để áp dụng mô hình này.

Hạn chế của mô hình là làm nảy sinh mâu thuẫn khi cơ quan giám sát an toàn phải lựa chọn giữa sự an toàn hệ thống và bảo vệ người tiêu dùng vì cơ quan này thường sẽ ưu tiên mục tiêu an toàn hệ thống hơn và người tiêu dùng có thể bị thiệt hại khi một định chế tài chính nào đó phá sản.

Do đó, một số quốc gia (Đức, Úc, Áo) đã quyết định thành lập thêm các cơ quan giám sát bổ sung để cân bằng lợi ích giữa quyền lợi của người tiêu dùng và an toàn hệ thống như việc thành lập Ủy ban cạnh tranh và người tiêu dùng chịu trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng nói chung và chống độc quyền.

(Tài liệu tham khảo: Các mô hình giám sát tài chính phổ biến trên thế giới và liên hệ với Việt Nam, ThS. Nguyễn Thị Hòa, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, 2018)

Tuyết Nhi