|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Giám sát Ngân sách nhà nước là gì? Mục đích và một số kĩ năng chung

11:58 | 04/06/2020
Chia sẻ
Giám sát Ngân sách nhà nước là việc theo dõi, xem xét, đánh giá các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện các qui định của pháp luật về tài chính - ngân sách trong toàn bộ các khâu của qui trình ngân sách.
Giám sát Ngân sách nhà nước là gì? Mục đích và một số kĩ năng chung - Ảnh 1.

Hình minh họa (Nguồn: Mucglobal)

Giám sát Ngân sách nhà nước

Khái niệm

Giám sát Ngân sách nhà nước (NSNN) là việc theo dõi, xem xét, đánh giá các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện các qui định của pháp luật về tài chính - ngân sách trong toàn bộ các khâu của qui trình ngân sách, bao gồm:

Chuẩn bị/xây dựng dự toán, tổ chức thực hiện dự toán và quyết toán NSNN nhằm đánh giá việc tuân thủ các qui định của pháp luật về NSNN, xử lí theo thẩm quyền hoặc yêu cầu, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lí.

Trong bối cảnh nền tài chính quốc gia hướng tới mục tiêu phát triển một nền quản trị công hiện đại, công khai, minh bạch, tăng cường trách nhiệm giải trình và sự tham gia của cộng đồng vào chu trình ngân sách.

Việc giám sát các khoản thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN) một cách chặt chẽ, bài bản, với hiệu lực và hiệu quả cao ngày càng trở nên cấp thiết, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay khi bội chi NSNN đang có xu hướng tăng cao, nợ công đã chạm ngưỡng an toàn, nợ Chính phủ vượt trần mức cho phép.

Mục đích

Giám sát chấp hành NSNN nhằm mục đích:

(i) Kiểm tra tính chấp hành dự toán NSNN đã được cấp có thẩm quyền thông qua;

(ii) Ghi nhận kết quả đạt được tính đến thời điểm giám sát, khả năng hoàn thành dự toán;

(iii) Nắm bắt những vấn đề phát sinh, vướng mắc trong quá trình thực hiện;

(iv) Đề xuất, kiến nghị những giải pháp nhằm hoàn thành dự toán, rút kinh nghiệm cho công tác xây dựng dự toán năm sau.

Một số kĩ năng chung trong việc giám sát thực hiện dự toán thu, chi ngân sách nhà nước

- Cần nghiên cứu kĩ Báo cáo việc thực hiện NSNN của đối tượng chịu sự giám sát. Đối chiếu với dự toán NSNN đã được cấp có thẩm quyền thông qua;

- Đối chiếu kết quả thực hiện của cả nước, bộ, ngành, địa phương chịu sự giám sát dự toán NSNN; so sánh với kết quả đạt được của cùng kì năm ngoái để có thể thấy được khả năng hoàn thành dự toán, mức độ tiến bộ trong công tác quản lí NSNN;

- Tìm hiểu về các vướng mắc, nguyên nhân của các tồn tại dẫn đến việc khó hoàn thành được dự toán để có đánh giá phù hợp về khả năng thực hiện dự toán và đưa ra các giải pháp tháo gỡ;

- Đối chiếu kết quả thực hiện dự toán của đối tượng chịu sự giám sát so với tình hình thực hiện chung của cả nước, của khối... để cho thấy tương quan so với mức trung bình chung.

(Tài liệu tham khảo: Một số kĩ năng giám sát hiệu quả việc chấp hành ngân sách nhà nước, TS. Bùi Thị Quỳnh Thơ, Tạp chí Công thương, 2017)

Tuyết Nhi