Đánh giá chi tiêu công và trách nhiệm giải trình tài chính PEFA là gì?
Đánh giá chi tiêu công và trách nhiệm giải trình tài chính PEFA
Khái niệm
Đánh giá chi tiêu công và trách nhiệm giải trình tài chính PEFA trong tiếng Anh gọi là: The Public Expenditure and Financial Accountability.
Đánh giá chi tiêu công và trách nhiệm giải trình tài chính PEFA của World Bank là một tiêu chí cung cấp khuôn khổ đánh giá và báo cáo những điểm mạnh và điểm yếu trong việc quản lí tài chính công (PFM: Public Financial Management), sử dụng các chỉ số định lượng để đo lường hiệu quả (31 chỉ tiêu).
Đây là cách tiếp cận ở tầm vĩ mô tới sự cải thiện hiệu quả và sự liên kết của các bên liên quan xung quanh mục tiêu chung.
Trụ cột
PEFA xác định 7 trụ cột hiệu quả trong hệ thống quản lí tài chính công mở và có thứ tự đạt được những mục tiêu này. Theo đó, 7 trụ cột này xác định những yếu tố chính của hệ thống quản lí tài chính công. Các trụ cột này cũng phản ánh mong muốn và các chỉ tiêu có thể đo lường. Các trụ cột này như sau:
- Độ tin cậy ngân sách: Ngân sách chính phủ là thực tế và được thực hiện như dự định. Điều này được đo lường bằng cách so sánh thu nhập và chi tiêu thực tế (từ những kết quả trực tiếp của hệ thống quản lí tài chính công) với ngân sách được phê duyệt ban đầu.
- Tính minh bạch tài chính công: Thông tin trong hệ thống PFM là toàn diện, nhất quán và dễ tiếp cận đối với người sử dụng.
Điều này đạt được thông qua phân loại ngân sách toàn diện, minh bạch các khoản thu và chi của chính phủ bao gồm cả chuyển nhượng liên chính phủ, công bố thông tin về các tài liệu, dịch vụ và sẵn sàng tiếp cận các tài liệu tài chính và ngân sách.
- Quản lí tài sản và nợ phải trả: Quản lí hiệu quả tài sản và nợ đảm bảo rằng việc đầu tư công cung cấp giá trị tiền, tài sản được ghi nhận và quản lí, rủi ro tài chính được xác định, nợ và các khoản bảo lãnh được lên kế hoạch, phê duyệt và giám sát một cách thận trọng.
- Chính sách dựa trên chiến lược tài chính và kế hoạch ngân sách: Chiến lược tài chính và ngân sách được chuẩn bị liên quan đến chính sách tài chính của chính phủ, kế hoạch chiến lược, môi trường kinh tế vĩ mô và các dự án tài chính.
- Khả năng dự báo và kiểm soát thực hiện ngân sách: Ngân sách được thực hiện trong hệ thống tiêu chuẩn hiệu quả.
- Hạch toán và báo cáo: Các bản ghi chính xác và đáng tin cậy được duy trì và thông tin được tạo ra, phổ biến tại các thời điểm thích hợp để đáp ứng việc ra quyết định, quản lí và nhu cầu báo cáo.
- Giám sát bên ngoài và kiểm toán: Tài chính công được xem xét một cách độc lập và có sự giám sát theo dõi từ bên ngoài việc thực hiện các khuyến nghị để cải thiện.
(Tài liệu tham khảo: Đánh giá hiệu quả chi tiêu công cấp tỉnh tiếp cận theo phương pháp PEFA, Hoàng Quốc Tùng, Tạp chí Công thương, 2017)