|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Lựa chọn dự án (Project Selection) là gì? Ý nghĩa và vai trò của việc lựa chọn dự án

16:26 | 16/01/2020
Chia sẻ
Trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp luôn có hoạt động xây dựng các dự án, nhiều người đóng góp ý kiến. Sau khi xây dựng được đề xuất dự án, nhà quản lí cấp cao và các nhà quản trị cần thẩm định và lựa chọn dự án (tiếng Anh: Project Selection).
Lựa chọn dự án (Project Selection) là gì? Ý nghĩa và vai trò của việc lựa chọn dự án - Ảnh 1.

Hình ảnh minh họa (Nguồn: blog.masterofproject.com)

Lựa chọn dự án

Khái niệm

Lựa chọn dự án trong tiếng Anh gọi là Project Selection.

Lựa chọn dự án là quá trình thẩm định dự án hoặc nhóm dự án được đề xuất, và sau đó lựa chọn dự án để thực hiện nhằm đạt được các mục tiêu của tổ chức đề ra cho dự án.

Qui trình này có thể được áp dụng cho dự án thuộc bất kì lĩnh vực nào của tổ chức, doanh nghiệp, trong đó việc lựa chọn phải được thực hiện giữa các lựa chọn thay thế hoặc cạnh tranh.

Mỗi dự án sẽ có những chi phí, lợi ích và rủi ro khác nhau và khó có thể biết trước. Vì vậy, việc lựa chọn một hoặc nhiều dự án phù hợp trong tập hợp các dự án là một nhiệm vụ quan trọng của nhà quản lí. Công việc chọn lựa một hoặc một số dự án khác nhau tạo thành một danh mục đầu tư thậm chí còn phức tạp hơn.

Ý nghĩa và vai trò của việc lựa chọn dự án

Ý nghĩa của việc lựa chọn dự án:

• Giúp cho doanh nghiệp, tổ chức chọn được những dự án tốt nhất, mang lại nhiều nhất lợi ích có thể.

• Giúp cho các cơ quan quản lí nhà nước đánh giá được sự cần thiết và thích hợp của dự án về các vấn đề phát triển kinh tế, xã hội, về công nghệ, về vốn, về bảo vệ môi trường…

• Giúp các nhà quản lí tài chính ra quyết định chính xác về cho vay hoặc trả nợ.

• Giúp tạo điều kiện thuận lợi, khả thi để triển khai được dự án thành công sau này.

Vai trò của lựa chọn dự án:

- Vai trò đối với doanh nghiệp, tổ chức:

• Xem xét các nội dung của dự án có đầy đủ hay còn thiếu hoặc sai sót ở nội dung nào, từ đó có căn cứ để chỉnh sửa hoặc bổ sung một cách đầy đủ.

• Xác định được tính khả thi về mặt tài chính, qua đó biết được lợi ích cao hay thấp của các dự án.

• Biết được những rủi ro có thể xảy ra trong tương lai, từ đó doanh nghiệp chủ động có những giải pháp nhằm ngăn ngừa hoặc hạn chế rủi ro một cách thiết thực và có hiệu quả nhất.

• Tạo điều kiện và các nguồn lực cần thiết để triển khai dự án thành công.

- Vai trò đối với cá đối tác đầu tư và các định chế tài chính:

• Là căn cứ để quyết định có nên góp vốn hay không.

• Biết được mức độ hấp dẫn về hiệu quả tài chính để có thể an tâm hoặc lựa chọn cơ hội đầu tư tốt nhất cho đồng vốn mà mình bỏ ra.

• Biết được khả năng sinh lời của dự án và khả năng thanh toán nợ, từ đó quyết định các hình thức cho vay và mức độ cho vay với các nhà đầu tư.

• Biết được tuổi thọ của dự án để áp dụng linh hoạt các dự án về lãi suất và thời hạn trả nợ vay.

- Vai trò đối với nhà nước:

• Biết được khả năng và mức độ đóng góp của dự án vào việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

• Đánh giá chính xác và có cơ sở khoa học các ưu nhược điểm của dự án để từ đó có căn cứ ngăn chặn những dự án xấu và bảo vệ những dự án tốt không bị loại bỏ.

• Có căn cứ để áp dụng chính sách ưu đãi nhằm hỗ trợ doanh nghiệp.

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Quản trị Dự án, NXB Lao động)

Đức Nhượng