Dự án đầu tư công (Public Investment Project) là gì?
Dự án đầu tư công (Public Investment Project) (Nguồn: Báo Đấu Thầu)
Dự án đầu tư công (Public Investment Project)
Dự án đầu tư công - danh từ, trong tiếng Anh được dịch là Public Investment Project.
Dự án đầu tư công là dự án sử dụng toàn bộ hoặc một phần vốn đầu tư công. Vốn đầu tư công bao gồm: vốn ngân sách nhà nước; vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư theo qui định của pháp luật.
Qui định về dự án đầu tư công
Phân loại dự án đầu tư công
1. Căn cứ vào tính chất, dự án đầu tư công được phân loại như sau:
a) Dự án có cấu phần xây dựng là dự án đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng dự án đã đầu tư xây dựng, bao gồm cả phần mua tài sản, mua trang thiết bị của dự án;
b) Dự án không có cấu phần xây dựng là dự án mua tài sản, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua, sửa chữa, nâng cấp trang thiết bị, máy móc và dự án khác không qui định tại điểm a khoản này.
2. Căn cứ mức độ quan trọng và qui mô, dự án đầu tư công được phân loại thành dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, dự án nhóm B, dự án nhóm C theo tiêu chí qui định.
Điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án đầu tư công
1. Quốc hội quyết định điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia theo qui định.
2. Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án đầu tư công theo qui định và báo cáo Quốc hội tại kì họp gần nhất.
3. Việc điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án đầu tư công được thực hiện trong trường hợp chỉ số giá có biến động lớn hoặc có điều chỉnh lớn về phân cấp quản lí đầu tư công liên quan đến tiêu chí phân loại dự án đầu tư công hoặc xuất hiện các yếu tố quan trọng khác tác động tới tiêu chí phân loại dự án đầu tư công.
Điều kiện quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư công
1. Phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và qui hoạch có liên quan theo qui định của pháp luật về qui hoạch đã được cấp có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt.
2. Không trùng lặp với các chương trình, dự án đã có quyết định chủ trương đầu tư hoặc đã có quyết định đầu tư.
3. Phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư công và khả năng huy động các nguồn vốn khác đối với chương trình, dự án sử dụng nhiều nguồn vốn.
4. Phù hợp với khả năng vay, trả nợ công, nợ Chính phủ và nợ chính quyền địa phương.
5. Bảo đảm hiệu quả kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và phát triển bền vững. (Theo Luật Đầu tư công năm 2019)