Lí thuyết tiền lương cứng nhắc (Sticky Wage Theory) là gì? Tác động đến việc làm
Hình minh họa
Lí thuyết tiền lương cứng nhắc
Khái niệm
Lí thuyết tiền lương cứng nhắc trong tiếng Anh là Sticky Wage Theory.
Lí thuyết tiền lương cứng nhắc cho rằng lương của người lao động có xu hướng phản ứng chậm trước những thay đổi trong hoạt động của một công ty hoặc nền kinh tế.
Theo lí thuyết này, khi thất nghiệp tăng thì tiền lương của những người lao động không bị sa thải có xu hướng giữ nguyên hoặc vẫ tăng nhưngvới tốc độ chậm hơn trước, thay vì giảm cùng lúc với nhu cầu lao động giảm.
Cụ thể, tiền lương thường được cho là khó bị kéo xuống, nghĩa là chúng có thể dễ dàng di chuyển lên trên nhưng rất khó di chuyển xuống dưới.
Theo lí thuyết tiền lương cứng nhắc, tính cứng nhắc trong thị trường sẽ khiến các thay đổi dễ xảy ra theo hướng này và khó di chuyển theo một chiều hướng khác. Sự chuyển động của tiền lương có xu hướng dễ tăng lên hơn là đi xuống, dẫn đến một xu hướng tăng trung bình của chuyển động tiền lương. Khuynh hướng này thường được gọi là hiệu ứng Ratchet.
Một số nhà kinh tế cũng đã đưa ra giả thuyết rằng sự cứng nhắc có thể mang tính truyền nhiễm, di chuyển từ một khu vực bị ảnh hưởng của thị trường tới các khu vực không bị ảnh hưởng khác.
Nội dung của ý tưởng này là cho rằng, nhìn chung các khu vực trong thị trường có nhiều việc làm tương tự nhau, do đó sự cứng nhắc về lương trong một khu vực sẽ dẫn đến sự cứng nhắc về lương trong các khu vực khác, do cạnh tranh việc làm và những nỗ lực của các công ty để giữ tiền lương ở mức cạnh tranh.
Tính cứng nhắc cũng được cho là có một số tác động tương đối rộng lớn khác đối với nền kinh tế toàn cầu, ví dụ như trong hiện tượng tăng quá cao của tỉ giá hối đoái
Nếu không có sự cứng nhắc, tiền lương sẽ luôn điều chỉnh gần như theo thời gian thực với thị trường và mang lại trạng thái cân bằng kinh tế tương đối ổn định. Một sự gián đoạn trên thị trường sẽ làm giảm tiền lương theo tỉ lệ tương ứng, mà không làm nhiều người bị mất việc.
Thay vào đó, do có sự cứng nhắc, trong trường hợp thị trường bị gián đoạn, tiền lương có nhiều khả năng vẫn giữ ở mức hiện tại và thay vào đó thì các công ty lại cắt giảm việc làm.
Lí thuyết tiền lương cứng nhắc và tác động đến việc làm
Tỉ lệ việc làm cũng bị ảnh hưởng bởi những sự biến dạng trong thị trường việc làm gây ra bởi tiền lương cứng nhắc. Ví dụ, trong trường hợp suy thoái kinh tế như trong năm 2008, tiền lương danh nghĩa đã không giảm do sự cứng nhắc của tiền lương.
Thay vào đó, các công ty sa thải nhân viên để cắt giảm chi phí mà không giảm tiền lương của các nhân viên được giữ lại. Sau này khi nền kinh tế bắt đầu thoát khỏi suy thoái, cả tiền lương và số lượng việc làm sẽ vẫn sẽ cứng nhắc, khó thay đổi.
Bởi vì khó có thể xác định khi nào cuộc suy thoái kết thúc, và việc thuê nhân viên mới thường có chi phí ngắn hạn cao hơn so với việc tăng thêm một ít lương, các công ty thường sẽ do dự khi tuyển nhân viên mới.
Về mặt này, trong bối cảnh suy thoái kinh tế, việc làm thường có thể được coi là cứng nhắc theo hướng khó tăng lên. Mặt khác, theo lí thuyết tiền lương cứng nhắc, tiền lương sẽ khó bị giảm xuống và những nhân viên đang trong biên chế có thể được tăng lương.
(Theo investopedia)