|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Thị trường lao động (Labor market) và sức lao động (Labor power) là gì?

17:44 | 04/09/2019
Chia sẻ
Thị trường lao động (tiếng Anh: Labor market) và sức lao động (tiếng Anh: Labor power) là những yếu tố mà người sử dụng lao động cần nắm được để có giải pháp đúng đắn trong sử dụng lao động.
general_strike

Hình minh hoạ (Nguồn: nsadvocate)

Thị trường lao động và sức lao động

Khái niệm

Thị trường lao động trong tiếng Anh được gọi là Labor market hay Job market.

Sức lao động trong tiếng Anh được gọi là Labor power.

- Thị trường lao động là nơi doanh nghiệp và người có sức lao động gặp nhau và thỏa thuận với nhau về việc doanh nghiệp sử dụng sức lao động của người lao động và trả thù lao lao động cũng như thực hiện nghĩa vụ đối với họ thông qua quan hệ hợp đồng lao động.

- Sức lao động là điều kiện để lao động.

Đặc điểm thị trường lao động

- Trong cơ chế thị trường, thị trường lao động là thị trường cạnh tranh: cạnh tranh sử dụng lao động và cạnh tranh tìm kiếm công ăn việc làm.

- Thị trường lao động mang tính khu vực hóa và quốc tế hóa vừa cho phép, vừa đòi hỏi các doanh nghiệp sử dụng lao động và người có sức lao động đều phải cạnh tranh nhau ở phạm vi rộng.

- Lựa chọn nơi làm việc tốt là quyền của người lao động, đặc biệt đối với lao động có chất lượng và tay nghề cao, nhất là trong bối cảnh lao động trong nước có quyền tham gia vào thị trường ở các nước khác.

Tính toán và lựa chọn lao động phù hợp với yêu cầu sản xuất kinh doanh luôn là điều kiện không thể thiếu để tổ chức lao động khoa học, nâng cao năng suất lao động và trả lương cao cho người lao động.

Đăc điểm sức lao động

Khác với các nhân tố sản xuất khác, sức lao động nằm trong cơ thể sống của con người. Để có sức lao động con người cần phải tiêu hao một lượng của cải vật chất mỗi ngày. Vì vậy, doanh nghiệp cần tính toán và trả thù lao sao cho đáp ứng được nhu cầu cuộc sống hàng ngày của người lao động.

Sức lao động nằm trong cơ thể con người cho nên có đặc trưng cơ bản là có thể tách rời giữa khả năng và thể hiện khả năng trong thực tế. Hơn thế nữa, sức lao động không cố định mà thay đổi cùng với quá trình phát triển của thời gian, sức lao động có thể mai một đi, có thể phát triển...

Nhận thức của con người về vai trò của nhân tố lao động cũng ngày càng thay đổi.

- Trước đây, lao động không được người sử dụng coi trọng.

- Ngày nay, coi sức lao động là điều kiện để doanh nghiệp phát triển, lao động là tài nguyên vô cùng quí giá đối với doanh nghiệp.

- Nhu cầu về bình đẳng xã hội trong lao động và sự thỏa mãn các mặt xã hội của cá nhân ngày càng phát triển.

Vì vậy, người sử dụng lao động phải hiểu rõ đặc trưng cơ bản này của nhân tố lao động để không làm mai một sức lao động mà có giải pháp đúng đắn trong sử dụng lao động nhằm ngày càng phát triển năng lực của người lao động.

(Tài liệu tham khảo: Tài liệu Quản trị các đối tượng bên trong doanh nghiệp, ĐH Kinh tế Quốc dân)

Diệu Nhi