|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Lí thuyết lãnh đạo nhiều thành phần (Four Frame Model) là gì?

19:01 | 14/10/2019
Chia sẻ
Lí thuyết lãnh đạo nhiều thành phần (tiếng Anh: Four Frame Model) cho rằng có 4 khung thành phần mà khi xây dựng các mô hình lãnh đạo cần phải chú trọng để nâng cao hiệu quả ứng dụng.
GEN-MacDonald-Leadership-2400

Hình minh hoạ (Nguồn: sloanreview)

Lí thuyết lãnh đạo nhiều thành phần 

Khái niệm

Lí thuyết lãnh đạo nhiều thành phần trong tiếng Anh được gọi là Four Frame Model.

Theo lí thuyết lãnh đạo nhiều thành phần Bolman (2003) cho rằng có 04 khung thành phần (frame) mà khi xây dựng các mô hình lãnh đạo cần phải chú trọng để nâng cao hiệu quả ứng dụng, bao gồm: khung cấu trúc (structural frame), khung nguồn nhân lực (the humance resource frame), khung chính trị (political frame) và khung biểu tượng (symbolic frame).

- Khung cấu trúc: đó là cơ cấu của tổ chức được sắp đặt sao cho bộ máy vận hành hiệu quả nhất nhưng phát sinh lỗi ít nhất. 

Cấu trúc tổ chức phải xây dựng để phục vụ cho mục tiêu chung nhưng phải bố trí hợp lí và kiểm soát được sự phối hợp giữa chức năng của các phòng ban, năng lực cá nhân, điều kiện và môi trường, ngoài ra cũng phải dễ dàng tái cấu trúc để thích nghi với sự thay đổi từ bên ngoài.

- Khung nguồn nhân lực: tập trung vào giải quyết mối quan hệ giữa nhu cầu của tổ chức và mong muốn của cá nhân, trong đó người lao động được đào tạo, phát triển, tạo điều kiện phát huy năng lực, ngược lại họ phải có cam kết đóng góp cho tổ chức. 

Vai trò quan trọng của người lãnh đạo là truyền đạt, chia sẻ tầm nhìn của tổ chức và khuyến khích động viên người lao động hoàn thành mục tiêu, tuy nhiên yêu cầu khi xây dựng chính sách phải thể hiện được nội dung bảo vệ lợi ích cho người lao động.

- Khung chính trị: sự khác biệt về giá trị, niềm tin, thông tin, lợi ích và nhận thức của các chủ thể trong tổ chức luôn tồn tại, đặc biệt là trong điều kiện khan hiếm nguồn lực, mâu thuẫn này càng lớn hơn nữa khi hướng đến lợi ích từ quyền lực và tài sản mang lại. 

Do đó, người lãnh đạo với vai trò vừa là người biện hộ và là người thương lượng phải dung hòa lợi ích các nhóm để biến những mâu thuẫn này trở thành những cuộc ganh đua tích cực làm động lực cho sự phát triển.

- Khung biểu tượng: mang màu sắc văn hóa và hành vi chuẩn mực phản ảnh sứ mạng của tổ chức. Theo đó, người lãnh đạo phải xây dựng cho mình hình ảnh gương mẫu thể hiện qua thái độ nhiệt tình, đạo đức và từ đó cảm hóa được người lao động.

(Tài liệu tham khảo: Đặc điểm của mô hình lãnh đạo trong tổ chức, Đại học Duy Tân)

Diệu Nhi