|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Phân tích mạng lưới giá trị (Value Network Analysis) và lợi ích của phân tích mạng lưới giá trị

11:27 | 14/10/2019
Chia sẻ
Phân tích mạng lưới giá trị (tiếng Anh: Value Network Analysis) là việc đánh giá các thành viên trong tổ chức và các tương tác của họ trong mạng lưới giá trị.
value network analysis

Hình minh họa. Nguồn: istockphoto.com

Phân tích mạng lưới giá trị

Khái niệm

Phân tích mạng lưới giá trị trong tiếng Anh là Value Network Analysis.

Phân tích mạng lưới giá trị là việc đánh giá các thành viên trong tổ chức và sự tương tác của các thành viên này trong mạng lưới giá trị. Phân tích mạng lưới giá trị thường được thực hiện bằng cách trực quan hóa các mối quan hệ bằng biểu đồ hoặc mạng lưới.

Các đối tượng được phân tích trong mạng lưới giá trị được đánh giá theo cả khía cạnh đơn lẻ và lợi ích chung mà họ mang lại cho mạng lưới. Phân tích mạng lưới giá trị xem xét toàn bộ hoạt động kinh doanh bao gồm cả khía cạnh tài chính và phi tài chính.

Phân tích mạng lưới giá trị cung cấp cách để đánh giá cả giá trị tài chính và phi tài chính cùng các khía cạnh khác của một doanh nghiệp. 

Hầu hết các hình thức phân tích được thực hiện dưới dạng trực quan, thường thông qua sơ đồ hoặc biểu đồ về các mối quan hệ và giao dịch quan trọng diễn ra giữa các điểm khác nhau trong mạng lưới. 

Những điểm này thường đại diện cho cá nhân, nhóm, đơn vị kinh doanh và thậm chí là các doanh nghiệp trong một ngành.

Mạng lưới giá trị được tạo thành từ các thành viên và tương tác của họ trong sản xuất sản phẩm hoặc cung cấp dịch vụ. Những kết nối này cực kì quan trọng trong việc xác định các công ty mạnh cũng như tìm kiếm rủi ro tiềm ẩn của một công ty.

Lợi ích của phân tích mạng lưới giá trị

Phương pháp được áp dụng trong phân tích mạng lưới giá trị có thể giúp một tổ chức tối ưu hóa mạng lưới giá trị bên trong và bên ngoài của nó, tận dụng tối đa các mối quan hệ bên ngoài cùng với sự phối hợp của các nhóm trong tổ chức, bao gồm việc trao đổi kiến thức, thông tin và chuyên môn xuyên suốt mạng lưới.

Mục tiêu của phân tích mạng lưới giá trị là cải thiện giao tiếp và hợp tác với tất cả các bên liên quan để hoạt động ở mức cao nhất và cải thiện năng suất tổng thể.

Phân tích mạng lưới giá trị có thể giúp các tổ chức trong các vấn đề như tái cấu trúc nội bộ, cải thiện qui trình làm việc giữa các bộ phận liên quan hoặc lập kế hoạch dự án. 

Phân tích mạng lưới giá trị cũng có thể hỗ trợ một tổ chức trong quá trình sáp nhập hoặc mua lại, vì nó giúp tạo ra sự kết nối tốt hơn và tận dụng tối đa các bộ phận và hoạt động mới cần được tích hợp.

Nếu một công ty đang tái thiết kế qui trình mà phải tiến hành kiểm tra toàn bộ và đề ra cơ cấu tổ chức mới, phân tích mạng lưới giá trị có thể được áp dụng để cung cấp bức tranh tổng thể về những thay đổi phải được thực hiện. 

Nếu tổ chức cần xây dựng một mô hình kinh doanh mới, phương pháp phân tích mạng lưới giá trị có thể được áp dụng để xác định các nguồn lực có thể được rút ra để mang lại những hiểu biết mới trong việc phát triển mô hình, cũng như hướng tới cách vận hành mô hình mới trong tương lai.

Hoạt động nghiên cứu và phát triển của một tổ chức cũng có thể được hưởng lợi từ phân tích mạng lưới giá trị bằng cách xác định thông tin và kiến thức chuyên môn có sẵn trong mạng lưới, nhằm hợp tác trong việc tạo ra các dịch vụ hoặc sản phẩm mới.

(Theo investopedia)

Hằng Hà