|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Lí thuyết lãnh đạo kiểu giao dịch (Transactional Leadership Theory) là gì?

09:38 | 24/12/2019
Chia sẻ
Lí thuyết lãnh đạo kiểu giao dịch (tiếng Anh: Transactional Leadership Theory) được định nghĩa là các nhà lãnh đạo hoặc nhà quản lý thúc đẩy cấp dưới làm việc dựa trên các hình phạt và phần thưởng khuyến khích.
Lí thuyết lãnh đạo kiểu giao dịch (Transactional Leadership Theory) là gì? - Ảnh 1.

Hình minh họa. Nguồn: projectmanager.com

Lí thuyết lãnh đạo kiểu giao dịch

Khái niệm

Lí thuyết lãnh đạo kiểu giao dịch trong tiếng Anh là Transactional Leadership Theory.

Về cơ bản, lí thuyết lãnh đạo kiểu giao dịch có thể được định nghĩa là các nhà lãnh đạo hoặc nhà quản lí thúc đẩy cấp dưới làm việc dựa trên các hình phạt và phần thưởng khuyến khích. 

(Theo: missouriwestern.edu)

Phong cách lãnh đạo kiểu giao dịch tập trung vào qui trình quản lí cơ bản về kiểm soát, tổ chức và lập kế hoạch ngắn hạn.

Lãnh đạo kiểu giao dịch thúc đẩy và định hướng cho cấp dưới chủ yếu bằng lợi ích cá nhân. Sức mạnh của các nhà lãnh đạo kiểu giao dịch đến từ thẩm quyền và trách nhiệm chính thức của họ trong tổ chức. Mục tiêu chính của cấp dưới là tuân theo chỉ dẫn của người lãnh đạo. 

Nhà lãnh đạo tin tưởng vào việc thúc đẩy thông qua một hệ thống khen thưởng và trừng phạt. Nếu cấp dưới thực hiện những gì lãnh đạo mong muốn, người đó sẽ được thưởng. Ngược lại, anh ta sẽ phải chịu phạt. Việc trao đổi giữa việc thực hiện nhiệm vụ và phần thưởng, hình phạt diễn ra thường xuyên để đạt được các mục đích thường nhật.

Những trao đổi này có thể được thực hiện theo 4 kiểu:

Trao thưởng theo kết quả: Nhà lãnh đạo gắn kết mục tiêu với phần thưởng, nêu rõ kì vọng đối với nhân viên, cung cấp các nguồn lực cần thiết, đặt ra các mục tiêu được thống nhất và trao phần thưởng cho những người hoàn thành công việc tốt. Họ đặt ra các mục tiêu SMART (cụ thể, đo lường được, có thể đạt được, thực tế và kịp thời) cho cấp dưới của mình.

Quản lí chủ động bằng ngoại lệ: Nhà lãnh đạo chủ động theo dõi công việc của cấp dưới, theo dõi các sai lệch so với các qui tắc và tiêu chuẩn và sửa chữa để ngăn ngừa sai lầm.

Quản lí thụ động bằng ngoại lệ: Nhà lãnh đạo chỉ can thiệp khi cấp dưới không đáp ứng được các tiêu chuẩn, hoặc khi không đạt hiệu suất như mong đợi. Họ thậm chí có thể sử dụng hình phạt đối với những kết quả không chấp nhận được.

Tự do: Nhà lãnh đạo tạo ra một môi trường nơi cấp dưới có nhiều cơ hội để tự đưa ra quyết định. Bản thân người lãnh đạo thoái thác trách nhiệm và tránh đưa ra quyết định và do đó nhóm thường thiếu phương hướng.

Giả định về lí thuyết lãnh đạo kiểu giao dịch

- Nhân viên được thúc đẩy bởi phần thưởng và hình phạt.

- Cấp dưới phải tuân theo mệnh lệnh của cấp trên.

-  Cấp dưới thường không chủ động làm việc. Họ phải được theo dõi và kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo hoàn thành công việc.

Ý nghĩa của lí thuyết lãnh đạo kiểu giao dịch

Các nhà lãnh đạo kiểu giao dịch nhấn mạnh quá mức đến các mục tiêu chi tiết và ngắn hạn, và các qui tắc và thủ tục tiêu chuẩn. Họ không nỗ lực để tăng cường sự sáng tạo hay tạo ra những ý tưởng mới. 

Kiểu phong cách lãnh đạo này có thể hoạt động tốt trong những tổ chức mà chỉ có các vấn đề đơn giản và được xác định rõ ràng. Những nhà lãnh đạo kiểu giao dịch thường không khen thưởng hoặc bỏ qua những ý tưởng không phù hợp với các kế hoạch và mục tiêu hiện có.

Các nhà lãnh đạo kiểu giao dịch thường sẽ phù hợp để hướng dẫn thực hiện các quyết định nhằm giảm chi phí và cải thiện năng suất. Họ có xu hướng chỉ đạo nhiều và thiên về hành động; mối quan hệ của họ với cấp dưới thường theo kiểu tạm thời và không gắn bó tình cảm.

Lí thuyết lãnh đạo kiểu giao dịch cho rằng cấp dưới có thể được thúc đẩy bởi những phần thưởng đơn giản. "Giao dịch" duy nhất giữa người lãnh đạo và cấp dưới là số tiền mà cấp dưới nhận được cho những nỗ lực của họ và sự tuân thủ qui định.

(Theo managementstudyguide.com)

Giang