|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Lí thuyết của Modigliani và Miller (Modigliani-Miller theorem - M&M) là gì?

22:22 | 15/07/2020
Chia sẻ
Lí thuyết của Modigliani và Miller (tiếng Anh: Modigliani-Miller theorem - M&M) là lí thuyết đầu tiên nghiên cứu về cấu trúc vốn của doanh nghiệp và đây cũng là nền tảng cơ sở để các lí thuyết sau này ra đời.
Lí thuyết của Modigliani và Miller (Modigliani-Miller theorem - M&M) là gì? - Ảnh 1.

Hình minh hoạ (Nguồn: investopedia)

Lí thuyết của Modigliani và Miller (M&M)

Khái niệm

Lí thuyết của Modigliani và Miller trong tiếng Anh được gọi là Modigliani-Miller theorem - M&M.

Lí thuyết của Modigliani và Miller (1958) là lí thuyết đầu tiên nghiên cứu về cấu trúc vốn của doanh nghiệp và đây cũng là nền tảng cơ sở để các lí thuyết sau này ra đời. 

Lí thuyết của Modigliani và Miller cho rằng trong một thị trường hoàn hảo, cơ cấu vốn không ảnh hưởng đến giá trị doanh nghiệp.

Các mệnh đề

Theo như mệnh đề Modigliani và Miller 1, trong một thị trường cạnh tranh hoàn hảo, tất cả các kết hợp giữa vốn chủ sở hữu và nợ phải trả là như nhau. Hay nói cách khác, giá trị của một doanh nghiệp không phụ thuộc vào lượng cổ phần được phát hành mà chỉ phụ thuộc vào lượng tài sản của doanh nghiệp đó. 

Cũng có thể hiểu mệnh đề Modigliani và Miller 1 theo hướng đó là bất kì lựa chọn tài chính như thế nào, dù là sử dụng vốn chủ sở hữu hay lựa chọn nợ ngắn hạn hoặc dài hạn thì giá trị của doanh nghiệp là không thay đổi (Brealey và các cộng sự, 1984).

Cụ thể hơn, theo như Myers (1984), bảng cân đối kế toán của một doanh nghiệp dùng để giả thích chi tiết mệnh đề Modigliani và Miller 1. Dựa vào bảng dưới đây ta thấy, giá trị của doanh nghiệp là không thay đổi cho dù có sự thay đổi tỉ lệ giữa nợ và vốn chủ sở hữu. 

Lí thuyết của Modigliani và Miller (Modigliani-Miller theorem - M&M) là gì? - Ảnh 2.

Bảng cân đối trong mệnh đề Modigliani và Miller 1

Trong trường hợp này, các nhân tố có thể ảnh hưởng đến giá trị doanh nghiệp chỉ đến từ những nhân tố phía bên trái của bảng cân đối. Chính vì thế, giá trị của tài sản và các cơ hội phát triển là không đổi. 

Ngược lại, nếu như các cơ hội phát triển của công ty thay đổi, vốn lưu động sẽ bị ảnh hưởng, dẫn đến sự thay đổi trong việc định giá doanh nghiệp. Bởi vậy, một giả thiết quan trọng trong mệnh đề Modigliani và Miller 1 đó chính là sự không thay đổi của các nhân tố nằm phía bên trái của bảng cân đối. 

Theo như Wald (1999), trong mệnh đề này, doanh nghiệp có thể sử dụng các nguồn vốn mà không phải quan tâm nguồn vốn đó đến từ nợ hay vốn chủ sở hữu.

Bên cạnh đó, mệnh đề Modigliani và Miller 2 là sự phát triển từ mệnh đề số 1, đã minh chứng rằng chi phí vốn bình quân gia quyền (WACC) sẽ là không đổi ngay cả khi công ty thay đổi cấu trúc vốn của họ. 

Trong trường hợp này, các cá nhân và doanh nghiệp đều được hưởng một lãi suất vay chung trên thị trường. Bên cạnh đó, lợi ích từ lá chắn thuế cũng bị loại bỏ trong lí thuyết này.

Nói tóm lại, cả 2 mệnh đề Modigliani và Miller đều giả định rằng, thị trường vốn là cạnh tranh hoàn hảo, không có sự tồn tại của thuế, không có chi phí giao dịch cũng như không có chi phí phá sản. 

Đây là một điều rất phi thực tế. Tuy nhiên, 2 mệnh đề của Modigliani và Miller cũng tạo nên những tiền đề phát triển các lí thuyết về cấu trúc vốn của doanh nghiệp sau này.

(Tài liệu tham khảo: Tài liệu Các nhân tố ảnh hưởng đến cấu trúc vốn các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam, Đại học Hàng hải Việt Nam)

Diệu Nhi