|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Kinh doanh ăn uống (Catering business) trong du lịch là gì?

13:52 | 04/11/2019
Chia sẻ
Kinh doanh ăn uống (tiếng Anh: Catering business) trong du lịch bao gồm các hoạt động chế biến thức ăn, bán và phục vụ nhu cầu tiêu dùng các thức ăn, đồ uống và cung cấp các dịch vụ khác nhằm mục đích có lãi.
20160915212603-GettyImages-469949855

Hình minh hoạ (Nguồn: entrepreneur)

Kinh doanh ăn uống trong du lịch

Khái niệm

Kinh doanh ăn uống trong tiếng Anh được gọi là Catering business.

Kinh doanh ăn uống trong du lịch bao gồm các hoạt động chế biến thức ăn, bán và phục vụ nhu cầu tiêu dùng các thức ăn, đồ uống và cung cấp các dịch vụ khác nhằm thoả mãn các nhu cầu về ăn uống và giải trí tại các nhà hàng (khách sạn) cho khách nhằm mục đích có lãi.

Tóm lại, kinh doanh ăn uống trong du lịch có 3 loại hoạt động cơ bản là: hoạt động chế biến thức ăn, hoạt động lưu thông, hoạt động phục vụ. Các hoạt động này có mối quan hệ trực tiếp và phụ thuộc lẫn nhau. 

Nếu thiếu một trong ba loại hoạt động này không những sự thống nhất giữa chúng bị phá huỷ, mà còn dẫn đến sự thay đổi về bản chất của kinh doanh ăn uống trong du lịch.

Nhiệm vụ

Kinh doanh ăn uống trong du lịch có nhiệm vụ chế biến ra các món ăn cho người tiêu dùng. Còn trong lưu thông, kinh doanh ăn uống trong du lịch có nhiệm vụ trao đổi và bán các thành phẩm là các món ăn đồ uống đã được chế biến sẵn, vận chuyển những hàng hoá này từ nơi sản xuất đến nơi tiêu dùng.

Ngoài ra, ăn uống trong du lịch còn có nhiệm vụ tổ chức hoạt động phục vụ việc tiêu dùng các sản phẩm tự chế cũng như các sản phẩm bán cho khách ngay tại các nhà hàng – hoạt động cung cấp dịch vụ.

Yêu cầu

Hoạt động kinh doanh ăn uống trong du lịch đòi hỏi phải có cơ sở vật chất kĩ thuật đặc biệt, với mức độ trang thiết bị tiện nghi cao và đội ngũ nhân viên phục vụ cũng đòi hỏi phải có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, có thái độ phục vụ tốt để đảm bảo việc phục vụ trực tiếp nhu cầu tiêu dùng các món ăn, đồ uống cho khách tại nhà hàng.

So sánh với hoạt động ăn uống công cộng

Kinh doanh ăn uống trong du lịch ra đời muộn hơn kinh doanh ăn uống công cộng.

- Giống nhau

Thứ nhất, đều phục vụ nhu cầu thiết yếu của con người về ăn uống với số lượng lớn. Do vậy chúng đều tổ chức chế biến thức ăn theo hướng chuyên môn hoá cao.

Thứ hai, cả hai hoạt động này đều có tổ chức hoạt động phục vụ nhu cầu tiêu thụ thức ăn, đồ uống tại chỗ cho khách hàng ngay tại cơ sở của mình.

- Khác nhau

Thứ nhất, điểm đặc trưng nhất của hoạt động ăn uống công cộng là có sự tham gia của các quĩ tiêu dùng xã hội trong việc tổ chức và duy trì hoạt động của các cơ sở ăn uống ở các nhà máy, trường học, các viện nghiên cứu và tổ chức xã hội. 

Khác với ăn uống công cộng, ăn uống trong du lịch không hề được trợ cấp từ các quĩ tiêu dùng xã hội, mà hoạt động được hạch toán trên cơ sở quĩ tiêu dùng của cá nhân với nhu cầu đòi hỏi cao hơn về chất lượng các món ăn, đồ uống và chất lượng phục vụ.

Thứ hai, kinh doanh ăn uống trong du lịch ngoài thức ăn và đồ uống, khách còn được thoả mãn nhu cầu thẩm mĩ bởi các dịch vụ giải trí như nghe nhạc, xem biểu diễn nghệ thuật, khiêu vũ hay hát Karaoke tại chính các nhà hàng nơi họ tiêu dùng sản phẩm ăn uống.

Thứ ba, mục đích phục vụ của hai loại hoạt động này cũng khác nhau: ăn uống công cộng có mục đích chủ yếu là phục vụ, còn ăn uống trong du lịch lấy kinh doanh làm mục đích chính.

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Quản trị Kinh doanh Khách sạn, 2008, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân)

Diệu Nhi

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.