|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Kiểm tra hồ sơ hải quan (Examines customs files) là gì? Nội dung kiểm tra hồ sơ hải quan

17:26 | 18/09/2019
Chia sẻ
Kiểm tra hồ sơ hải quan (tiếng Anh: Examines customs files) là việc cơ quan hải quan kiểm tra tờ khai hải quan và chứng từ đi kèm tờ khai hải quan.
HQ-Dinh-Vu

Hình minh họa (Nguồn: sotrans.com.vn)

Kiểm tra hồ sơ hải quan (Examines customs files)

Khái niệm

Kiểm tra hồ sơ hải quan trong tiếng Anh là Examines customs files.

Kiểm tra hồ sơ hải quan (Examines customs files) là việc cơ quan hải quan kiểm tra tờ khai hải quan và chứng từ đi kèm tờ khai hải quan. Cụ thể:

- Kiểm tra nội dung khai của người khai hải quan trên tờ khai hải quan

- Kiểm tra các chứng từ đi kèm tờ khai hải quan

- Đối chiếu nội dung khai hải quan với các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan

- Kiểm tra sự phù hợp giữa nộp dung khai với qui định hiện hành của pháp luật

Nội dung kiểm tra hồ sơ hải quan

Xét về mặt nguyên tắc, kiểm tra hồ sơ hải quan trước hết được bắt đầu bằng việc kiểm tra tổng thể các loại chứng từ, hình thức, số lượng mỗi loại chứng từ. Sau đó kiểm tra chi tiết nội dung, tính hợp pháp, hợp lệ của tờ khai hải quan và các chứng từ trong bộ hồ sơ hải quan.

Trên cơ sở đó, đối chiếu tất cả các thông số, các dữ liệu mà người khai hải quan đã khai trên các ô trong tờ khai với các chứng từ đi kèm, cụ thể:

1. Kiểm tra về khai tên hàng, mã số hàng hóa

Kiểm tra khai tên hàng nhằm mục đích xác định loại hàng xuất khẩu, nhập khẩu qua đó đối chiếu với chính sách quản lí mặt hàng để xác định rõ với hàng hóa đó có bị cấm xuất khẩu, nhập khẩu không hay thuộc loại hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có điều kiện. Khi thực hiện kiểm tra mã số hàng hóa cần kiểm tra việc áp dụng các qui tắc phân loại hàng hóa theo danh mục HS.

2. Kiểm tra về khai số lượng hàng hóa

Số lượng hàng hóa quyết định đến giá trị của hợp đồng cũng như số thuế phải nộp khi thực hiện xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa. Do đó, khi kiểm tra hồ sơ hải quan phải kiểm tra số lượng hàng hóa.

3. Kiểm tra xuất xứ của hàng hóa

Xuất xứ hàng hóa liên quan đến vấn đề ưu đãi thuế, tất nhiên vấn đề này còn tùy thuộc vào mối quan hệ thương mại giữa các quốc gia với nhau. Vì vậy, để đảm bảo thực hiện đúng chính sách thuế cũng như chính sách quản lí mặt hàng của nhà nước cần phải kiểm tra xuất xứ hàng hóa khi thực hiện kiểm tra hồ sơ hải quan.

Kiểm tra xuất xứ hàng hóa là việc kiểm tra các tiêu chí cơ bản trên giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), sự phù hợp với nội dung trên C/O và các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan như vận tải đơn, hợp đồng thương mại, hóa đơn thương mại v.v...

4. Kiểm tra tính thuế

Kiểm tra tính thuế là một nội dung hết sức cơ bản của kiểm tra hồ sơ hải quan. Việc kiểm tra tính thuế được thực hiện nhằm hai mục đích:

- Kiểm tra tính trung thực, chính xác trong khai báo của chủ hàng

- Kiểm tra việc áp dụng các chế độ, chính sách để có hướng dẫn cụ thể, kịp thời.

Trong bất kì trường hợp nào, việc kiểm tra tính thuế cũng phải dựa trên cơ sở hồ sơ nhập khẩu của lô hàng và chế độ chính sách áp dụng.

5. Kiểm tra hợp đồng mua bán hàng hóa

Kiểm tra hợp đồng mua bán hàng hóa gồm:

- Kiểm tra tư cách pháp lí của chủ thể kí kết hợp đồng: kiểm tra tài khoản ngân hàng giao dịch, ngân hàng đó có tồn tại ở Việt Nam và đang hoạt động hay không.

- Kiểm tra nội dung của hợp đồng: kiểm tra tên hàng, trị giá, số lượng hàng hóa, điều kiện thanh toán... trên hợp đồng và đối chiếu so sánh các thông số đó với các chứng từ khác trong bộ hồ sơ hải quan

- Kiểm tra hiệu lực của hợp đồng thương mại

6. Kiểm tra vận tải đơn

Vận tải đơn là một chứng từ cơ bản trong bộ hồ sơ hải quan. Khi thực hiện kiểm tra vận đơn phải thực hiện kiểm tra các nội dung như: Kiểm tra tên người giao hàng, người nhận hàng, người được thông báo, kiểm tra cảng bốc hàng lên và dỡ hàng xuống, điều kiện vận chuyển, nội dung hàng hóa được nếu trong đơn, kiểm tra đặc điểm của vận đơn, cước phí, các sửa đổi, bổ sung trên vận đơn, ngày kí phát vận đơn và chữ kí của người chuyên chở hoặc người thay mặt người chuyên chở.

7. Kiểm tra hóa đơn thương mại

Hóa đơn thương mại là chứng từ phản ánh giá mua bán hàng hóa xuất, nhập khẩu. Kiểm tra hóa đơn thương mại là kiểm tra các thông số dữ kiện được thể hiện trên hóa đơn, cụ thể: Kiểm tra ngày lập hóa đơn, tên, địa chỉ nhà xuất khẩu, người gửi hàng, người nhận hàng, điều kiện cơ sở giao hàng, ghi chú bổ sung (nếu có), chữ kí của người bán.

8. Kiểm tra giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu

Kiểm tra giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu là kiểm tra tên, địa chỉ của người bán (so sánh với hợp đồng), kiểm tra tên, địa chỉ của người xin nhập khẩu, số liệu ngày tháng của hợp đồng, v.v...

9. Kiểm tra giấy chứng nhận chất lượng và các chứng từ khác

Đối với những hàng hóa phải kiểm tra chất lượng thì công chức hải quan phải đối chiếu giấy chứng nhận chất lượng với tờ khai hải quan. Kiểm tra các chứng từ khác (nếu có) như bảng kê chi tiết hàng hóa, giấy kiểm dịch động thực vật, giấy chứng nhận số lượng, chất lượng hàng hóa...

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Hải quan cơ bản, NXB Tài chính)

T.H