Kiểm soát vốn (Capital Control) là gì? Ví dụ thực tiễn về kiểm soát vốn
Hình minh họa. Nguồn: thefinancialphysician.com
Kiểm soát vốn
Khái niệm
Kiểm soát vốn trong tiếng Anh là Capital Control.
Kiểm soát vốn là các biện pháp được thực hiện bởi chính phủ, ngân hàng trung ương hoặc các cơ quan quản lí khác để hạn chế dòng vốn nước ngoài vào và ra khỏi nền kinh tế trong nước.
Những kiểm soát này bao gồm thuế, thuế quan, luật pháp, hạn chế khối lượng và các biện pháp dựa trên thị trường khác. Kiểm soát vốn có thể gây ảnh hưởng lên nhiều loại tài sản như cổ phiếu, trái phiếu và giao dịch ngoại hối.
Kiểm soát vốn được thiết lập để điều chỉnh dòng vốn tài chính từ thị trường vốn vào và ra khỏi tài khoản vốn của một quốc gia. Những kiểm soát này có thể áp dụng cho toàn bộ nền kinh tế hoặc cho một hoặc vài ngành.
Việc thực hiện kiểm soát vốn có thể hạn chế khả năng công dân trong nước sở hữu tài sản nước ngoài (được gọi là kiểm soát dòng vốn ra) hoặc khả năng mua tài sản trong nước của người nước ngoài (được gọi là kiểm soát dòng vốn vào).
Kiểm soát vốn chặt chẽ thường được thực hiện trong các nền kinh tế đang phát triển, nơi dự trữ vốn thấp hơn và dễ bị biến động.
Các tranh cãi xung quanh kiểm soát vốn
Những người phản đối kiểm soát vốn tin rằng chúng hạn chế sự phát triển và hiệu quả kinh tế. Những người ủng hộ lại cho rằng chúng là cần thiết vì làm tăng sự an toàn của nền kinh tế. Hầu hết các nền kinh tế lớn nhất có chính sách kiểm soát vốn tự do và đã loại bỏ các qui tắc chặt chẽ hơn trong quá khứ.
Tuy nhiên, hầu hết các nền kinh tế này đều có các biện pháp cần thiết để ngăn chặn một cuộc rút vốn ồ ạt trong thời gian khủng hoảng hoặc một cuộc tấn công đầu cơ lớn vào tiền tệ.
Các yếu tố như toàn cầu hóa và hội nhập thị trường tài chính đã góp phần làm giảm bớt sự kiểm soát vốn nói chung. Mở cửa một nền kinh tế để tiếp nhận vốn nước ngoài thường giúp cho các công ty có khả năng tiếp cận vốn dễ dàng hơn và có thể tăng nhu cầu của chứng khoán trong nước.
Ví dụ thực tiễn về kiểm soát vốn
Kiểm soát vốn thường được thiết lập sau một cuộc khủng hoảng kinh tế để ngăn chặn công dân trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài rút tiền khỏi một quốc gia. Ví dụ, vào ngày 29 tháng 6 năm 2015, Ngân hàng Trung ương châu Âu đã đóng băng sự hỗ trợ cho Hy Lạp trong cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu.
Hy Lạp đã phản ứng bằng cách đóng cửa các ngân hàng và thực hiện kiểm soát vốn từ ngày 29 tháng 6 đến ngày 7 tháng 7 năm 2015, vì sợ rằng công dân Hy Lạp sẽ rút tiền hàng loạt khỏi ngân hàng.
Các biện pháp kiểm soát vốn bằng tiền đặt giới hạn cho lượng tiền mặt hàng ngày được phép rút tại các ngân hàng và hạn chế chuyển tiền và thanh toán bằng thẻ tín dụng ở nước ngoài.
Vào ngày 22 tháng 7 năm 2016, Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp thông báo rằng nước này sẽ giảm bớt sự kiểm soát vốn để tăng niềm tin vào các ngân hàng Hy Lạp. Việc nới lỏng dự kiến sẽ làm tăng lượng tiền được giữ tại các ngân hàng Hy Lạp. Chính phủ nước này đã nới lỏng hạn mức rút tiền mặt và tăng giới hạn cho các khoản tiền lưu chuyển phục vụ kinh doanh.
(Theo investopedia)