Kiểm soát chất lượng toàn diện (Total Quality Control - TQC) là gì? Ưu điểm
Hình minh hoạ (Nguồn: trungtamcncltqc)
Kiểm soát chất lượng toàn diện
Khái niệm
Kiểm soát chất lượng toàn diện trong tiếng Anh được gọi là Total Quality Control - TQC.
Kiểm soát chất lượng toàn diện là một trong những phương pháp để quản lí chất lượng.
Thuật ngữ kiểm soát chất lượng toàn diện do Feigenbaun đưa ra trong lần xuất bản cuốn sách Total Quality Control (TQC) của ông năm 1951.
Trong lần tái bản lần thứ ba năm 1983, Feigenbaun định nghĩa Kiểm soát chất lượng toàn diện TQC như sau:
Kiểm soát chất lượng toàn diện là một hệ thống có hiệu quả để nhất thể hóa các nỗ lực phát triển và cải tiến chất lượng của các nhóm khác nhau vào trong một tổ chức sao cho các hoạt động Marketing, kĩ thuật và dịch vụ có thể tiến hành một cách kinh tế nhất, cho phép thỏa mãn hoàn toàn khách hàng.
Khái niệm TQC được du nhập vào Nhật bản vào những năm 1950, được áp dụng và có những khác biệt nhất định đối với TQC ở Mỹ.
Sự khác nhau chủ yếu là: ở Nhật Bản có sự tham gia của mọi thành viên trong tổ chức. Bởi vậy ở Nhật còn có tên gọi là: Kiểm soát Chất lượng Toàn công ty - CWQC (Company Wide Quality Control).
Thuật ngữ liên quan
Quản lí chất lượng là một hoạt động có chức năng quản lí chung nhằm mục đích đề ra chính sách, mục tiêu, trách nhiệm và thực hiện chúng bằng các biện pháp như hoạch định chất lượng, kiểm soát chất lượng, đảm bảo chất lượng và cải tiến chất lượng trong khuôn khổ một hệ thống chất lượng. (Theo tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế ISO 9000)
Quản lí chất lượng là xây dựng, đảm bảo và duy trì mức chất lượng tất yếu của sản phẩm khi thiết kế, chế tạo, lưu thông và tiêu dùng. Điều này được thực hiện bằng cách kiểm tra chất lượng có hệ thống, cũng như tác động hướng đích tới các nhán tố và điều kiện ảnh hưởng tới chất lượng chi phí. (Theo GOST 15467-70)
Ưu điểm của phương pháp
Kiểm soát chất lượng toàn diện huy động nỗ lực của mọi đơn vị trong công ty vào các quá trình có liên quan tới duy trì và cải tiến chất lượng.
Điều này sẽ giúp tiết kiệm tối đa trong sản xuất, dịch vụ, đồng thời thỏa mãn nhu cầu khách hàng.
(Tài liệu tham khảo: Chất lượng công trình, TS. Mỵ Duy Thành, 2012, Đại học Thuỷ Lợi)