Khối nợ ẩn ngấp nghé 50% quy mô GDP, đe dọa vận mệnh kinh tế của Trung Quốc
Quan tham và khối nợ của chính quyền địa phương
Ranh giới giữa hai chiến dịch chống tham nhũng và xóa nợ công của Trung Quốc ngày càng trở nên mờ nhạt khi Bắc Kinh phải tìm cách giải quyết các vấn đề kinh tế và chính trị đan xen nhau tại nhiều địa phương trên khắp cả nước.
Theo SCMP, từ đầu năm nay, nhiều tỉnh thành tại Trung Quốc đã cam kết sẽ "đào sâu vấn nạn tham nhũng đang tiềm ẩn trong khối nợ của chính quyền các địa phương".
Trong một báo cáo được Ủy ban Kiểm tra và Giám sát Kỷ luật tỉnh Giang Tô công bố hồi đầu năm nay, ba cựu quan chức địa phương đã bị bêu tên. Họ bị coi là "ví dụ điển hình" cho nạn tham nhũng đằng sau các khoản nợ ẩn của chính quyền địa phương.
Cái tên nổi bật nhất là Qi Biao, cựu Phó Giám đốc Ủy ban Cải cách và Phát triển tỉnh Giang Tô - một trong các tỉnh giàu nhất Trung Quốc hiện nay. Ông Qi bị sa thải vào tháng 12 năm ngoái và bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản vào tháng 6 năm nay.
Các vi phạm mà Qi bị kết tội bao gồm "sử dụng quyền lực và ảnh hưởng để làm trung gian cho các chương trình huy động vốn của chính quyền địa phương (LGFV)", "nhận lượng lớn bất động sản làm chi phí trung gian" và "làm phình to khối nợ của chính quyền địa phương", Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (CCDI) liệt kê.
Từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, LGFV đã phát triển mạnh mẽ như một biện pháp cấp vốn cho hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng của Trung Quốc. Thông qua LGFV, chính quyền các địa phương có thể bán một số loại trái phiếu đặc biệt để huy động ngân sách phục vụ chi tiêu công.
Khối nợ phát sinh từ các chương trình LGFV không được đề cập trong bảng cân đối kế toán của chính quyền địa phương, nhưng vẫn được chính phủ ngầm đảm bảo hoàn trả. Do đó, so với các loại trái phiếu địa phương minh bạch hơn, các khoản nợ huy động thông qua LGFV dễ dính dáng đến tham nhũng hơn.
Năm ngoái, Trung Quốc cũng ghi nhận một vụ án tham nhũng gây rúng động tại quận Dushan của tỉnh Quý Châu, nơi có tỷ lệ nợ cao nhất trong số các chính quyền cấp tỉnh ở đất nước tỷ dân.
Chính quyền Dushan đã tích lũy khoản nợ khổng lồ trị giá 40 tỷ nhân dân tệ (tương đương 6,27 tỷ USD) vào năm 2019, trong khi doanh thu tài khóa thường niên của quận này chưa đến 1 tỷ nhân dân tệ.
CCDI quy trách nhiệm cho ông Pan Zhili, người từng lãnh đạo quận Dushan trong giai đoạn từ năm 2010 đến khi bị sa thải vào năm 2019. Pan đã khởi xướng nhiều "dự án ảo" vì mục đích chính trị thay vì lợi ích kinh tế của quê nhà.
Hiểm họa khôn lường từ khối nợ ẩn
Nợ liên quan đến các LGFV thường được Bắc Kinh gọi là "nợ ẩn" của chính quyền địa phương. Nợ ẩn đang là một trong những mục tiêu chính trong nỗ lực giảm khối nợ công mà chính quyền ông Tập Cận Bình đang triển khai.
SCMP cho biết, hiện không có số liệu chính thức về tổng nợ ẩn ở Trung Quốc. Tuy nhiên, nhà kinh tế Lu Ting tại Nomura ước tính đến cuối năm 2020, con số này rơi vào khoảng 45.000 tỷ nhân dân tệ (khoảng 7.000 tỷ USD) - tương đương 44% GDP của Trung Quốc.
Trong một báo cáo cuối tháng 9, Goldman Sachs ước tính tổng nợ ẩn của Trung Quốc đã tăng lên khoảng 53.000 tỷ nhân dân tệ vào cuối năm ngoái - tương đương 53% GDP. Con số này tăng hơn ba lần so với khoảng 16.000 tỷ nhân dân tệ hồi năm 2013.
Ở diễn biến khác, khả năng trả nợ của chính quyền các địa phương từ lâu đã là mối quan tâm của giới hoạch định chính sách ở Bắc Kinh. Đại dịch COVID-19 lại làm trầm trọng thêm khó khăn tài chính của các tỉnh thành này.
Sang năm 2022, các LGFV sẽ đóng một vai trò lớn hơn trong việc lấp đầy khoảng trống ngân sách của các địa phương, vì nguồn thu từ việc bán đất công có vẻ sẽ tiếp tục giảm trong bối cảnh lĩnh vực bất động sản đi xuống, chi tiêu cho cơ sở hạ tầng đi lên và tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chững lại, Moody's dự báo.
"Trong năm tới, chính phủ Trung Quốc sẽ giúp tháo gỡ bớt áp lực đối với các LGFV tại những tỉnh thành yếu kém…
Tuy nhiên, không chắc các LGFV này có thể duy trì chất lượng tín dụng trong bao lâu nếu chỉ dựa vào hỗ trợ của chính phủ để trả nợ đến hạn, thay vì dùng một khoản nợ mới để trả nợ cũ (refinancing)", Giám đốc Ivan Chung của Moody's lưu ý.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/