|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Ông Tập cảnh giác rủi ro 'tê giác xám', giục Trung Quốc tự chủ nguồn cung nông sản, khoáng sản và năng lượng

09:03 | 14/12/2021
Chia sẻ
Chủ tịch Tập Cận Bình nói Trung Quốc phải thiết lập một "cơ sở chiến lược" để có thể tự lực cung ứng các mặt hàng quan trọng như năng lượng, đậu nành,…vì đảm bảo nguồn cung cho các sản phẩm này chính là động lực cho sức mạnh kinh tế lâu dài của Bắc Kinh.

Tự chủ nguồn cung hàng hóa, không phụ thuộc vào nước ngoài

Tại hội nghị công tác kinh tế trung ương hồi tuần trước, Bắc Kinh đã xác định việc tự chủ nguồn cung các mặt hàng chính như nông sảnkhoáng sản và năng lượng là một trong 5 "vấn đề lý thuyết và thực tiễn quan trọng" cần giải quyết trong bối cảnh đại dịch lan tràn và các mối quan hệ quốc tế thay đổi nhanh chóng.

Theo hãng tin South China Morning Post (SCMP), 4 ưu tiên khác của chính phủ Trung Quốc là "thịnh vượng chung", điều tiết vốn, giảm thiểu rủi ro tài chính nguy hiểm và trung hòa carbon.

Rủi ro "tê giác xám" là các mối đe dọa hiển nhiên, xuất hiện từ từ nhưng thường bị bỏ qua . Thuật ngữ này lần đầu xuất hiện trong cuốn sách "The Gray Rhino: How to Recognize and Act on the Obvious Dangers We Ignore" của nữ tác giả Michele Wucker năm 2016.

Theo bà Wucker, sự kiện "thiên nga đen" (tức hiện tượng cực kỳ hiếm gặp và không thể dự đoán trước, đồng thời gây ra những hậu quả tàn khốc cho nền kinh tế) xuất hiện sau khi một chuỗi rủi ro "tê giác xám" tương tác với nhau và hình thành một mối đe dọa lớn hơn.

Hội nghị nhấn mạnh, Trung Quốc cũng cần xây dựng một "cơ sở bảo tồn toàn diện" để ngăn chặn tình trạng thiếu hụt tài nguyên. Vấn đề này có thể biến thành nguy cơ "tê giác xám" đối với nền kinh tế tỷ dân.

Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định, dù Trung Quốc có thể đáp ứng nhu cầu hàng hóa bằng nguồn cung trong và ngoài nước, chính phủ vẫn cần phải thiết lập "ranh giới an toàn" để không xảy ra tình trạng nhập siêu quá mức.

Theo một bài đăng trên tờ People's Daily, ông Tập thúc giục: "Chúng ta cần thiết lập một cơ sở chiến lược để tự chủ nguồn cung các nguồn năng lượng quan trọng…, đồng thời củng hố hệ thống dự trữ vật liệu quốc gia để đảm bảo nhu cầu tối thiểu tại những thời điểm quan trọng".

Chủ tịch Trung Quốc cũng kêu gọi giới chức địa phương điều chỉnh cách tiếp cận trong quá trình thực hiện các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, khi đây vốn là một nguyên nhân khiến Trung Quốc bị thiếu điện trên diện rộng trong nhiều tháng qua.

Ông Tập cảnh giác rủi ro 'tê giác xám', giục Trung Quốc tự chủ nguồn cung nông sản, khoáng sản và năng lượng - Ảnh 1.

Chủ tịch Tập Cận Bình thúc giụcTrung Quốc cần tự chủ nguồn cung các mặt hàng quan trọng, bao gồm cả năng lượng. (Ảnh: AFP).

Các rủi ro "tê giác xám" của Trung Quốc

Mặc dù được biết đến là công xưởng và nước xuất khẩu hàng hóa lớn nhất thế giới, Trung Quốc lại ngày càng phụ thuộc vào nguồn hàng nhập khẩu của một loạt sản phẩm quan trọng đối với nền kinh tế như đậu nành, quặng sắt, dầu thô, khí đốt tự nhiên, đồng, quặng bauxite và vàng.

Trong một số trường hợp, hàng hóa nhập khẩu chiếm đến 80% nguồn cung của Trung Quốc, SCMP lưu ý.

Đậu nành đã trở thành một điểm nóng giữa Trung Quốc và Mỹ trong cuộc chiến thương mại do cựu Tổng thống Trump khởi xướng. Đậu nành cũng được coi là một mắt xích yếu trong cơ cấu an ninh lương thực của Trung Quốc.

Sự phụ thuộc của Trung Quốc vào nguồn cung quặng sắt nước ngoài cũng thu hút sự quan tâm lớn của công chúng, trong bối cảnh chính quyền ông Tập và Australia đang xảy ra xung đột thương mại.

Ở diễn biến khác, các gián đoạn chuỗi cung ứng thời đại dịch đã đẩy giá năng lượng lên mức cao và gây thêm lo ngại về lạm phát cũng như an ninh năng lượng cho chính quyền Bắc Kinh.

Bình luận tại một diễn đàn hồi cuối tuần, ông Han Wenxiu, Phó Giám đốc Ủy ban Kinh tế và Tài chính Trung ương (một cơ quan cố vấn cho Bắc Kinh), nói: "Sự thiếu hụt nghiêm trọng các hàng hóa sơ cấp có thể phát triển thành những rủi ro tê giác xám cho nền kinh tế Trung Quốc".

Theo tờ People's Daily, ông Tập đã nói với các quan chức và lãnh đạo tỉnh rằng "đối với một quốc gia lớn như chúng ta, việc đảm bảo nguồn cung các sản phẩm chủ lực là một vấn đề chiến lược quan trọng".

Ở khía cạnh an ninh ngũ cốc, ông Tập cảnh báo "diện tích đất canh tác của Trung Quốc đang sụt giảm" và nông dân đang chuộng trồng các loại hoa màu hơn là ngũ cốc và cây họ đậu.

"Giờ đây, khi càng có nhiều lương thực thì chúng ta càng phải nghĩ đến thời điểm đất nước Trung Quốc không có gì trong tay", ông Tập Cận Bình nhấn mạnh.

"Tôi đã nhiều lần nhắc nhở rằng bát cơm của người dân Trung Quốc phải được chính chúng ta cầm chắc trong tay, đừng bao giờ để người khác nắm đằng chuôi nguồn cung lương thực. Đó là vấn đề cơ bản sống còn", Chủ tịch Tập tiếp tục.

Yên Khê