|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Trung Quốc có thể tung kích thích tài khóa ngay đầu năm 2022

13:34 | 13/12/2021
Chia sẻ
Các nhà kinh tế dự đoán Trung Quốc sẽ bắt đầu kích thích tài khóa vào đầu năm 2022 sau khi các quan chức hàng đầu của Bắc Kinh tuyên bố mục tiêu quan trọng trong năm tới bao gồm đối phó với các lực cản lên tăng trưởng.
Trung Quốc có thể tung kích thích tài khóa ngay đầu năm 2022 - Ảnh 1.

(Hình minh họa: AFP).

Dự kiến các hạn chế lên ngành bất động sản vẫn được duy trì và chính quyền sẽ không tung ra nhiều động thái chính sách bất ngờ để kiểm soát khu vực kinh tế tư nhân như năm 2021.

Vào cuối Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương Trung Quốc thường niên tuần trước, các nhà hoạch định chính sách cho biết ưu tiên hàng đầu cho 2022 là "đảm bảo ổn định". Họ cũng cam kết thực hiện các chính sách ngay trong giai đoạn đầu và giữ cho lập trường tiền tệ linh hoạt và phù hợp.

Ông Ding Shuang, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Standard Chartered chia sẻ với Bloomberg: "Chính sách tài khóa được cho là sẽ đóng vai trò chủ chốt trong việc hỗ trợ tăng trưởng vào năm tới". Trong khi đó, các chính sách nhà đất sẽ được "điều chỉnh nhỏ" thay vì biến chuyển lớn.

Trung Quốc có thể tung kích thích tài khóa ngay đầu năm 2022 - Ảnh 2.

Kinh tế Trung Quốc giảm tốc trong những tháng gần đây vì thị trường bất động sản xuống dốc, tăng trưởng tiêu dùng yếu ớt và các đợt tái bùng phát COVID-19. Giọng điệu tương đối khắt khe với bất động sản trong Hội nghị cho thấy lực cản từ khu vực này lên kinh tế vẫn sẽ tồn tại.

Chính sách của Trung Quốc trong năm nay tập trung vào giảm thiểu rủi ro tài chính và nợ trong nền kinh tế. Tuần trước, nhà phát triển bất động sản Evergrande đã trở thành nạn nhân lớn nhất trong chiến dịch của Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm kiềm chế các tập đoàn dùng đòn bẩy quá tay và thị trường bất động sản.

Các nhà phân tích Barclays viết trong lưu ý rằng lời kêu gọi sử dụng các chính sách ngược chu kỳ (counter-cyclical) trong Hội nghị là lần đầu tiên giới chức Trung Quốc sử dụng cụm từ này trong năm nay. Điều đó "sẽ giảm bớt lo ngại của thị trường về sự giảm tốc rõ rệt của tăng trưởng kinh tế".

Các nhà kinh tế dự đoán tăng trưởng quý IV của Trung Quốc đạt 3,1%; sụt giảm mạnh từ tốc độ 7,9% trong quý II và 4,9% của quý III. Mục tiêu tăng trưởng GDP chính thức cho năm 2022 sẽ được công bố vào tháng 3 và giới phân tích kỳ vọng các nhà chức trách sẽ có thêm hành động để đảm bảo tăng trưởng đạt khoảng 5%.

Bà Chang Shu, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á của Bloomberg Economics nhận xét các tuyên bố trong Hội nghị cho thấy dấu hiệu Trung Quốc sẽ nới lỏng quy định, ngay cả khi "thịnh vượng chung" và trung lập carbon tiếp tục được coi là mục tiêu chính. Bà dự đoán quy mô nới lỏng các chính sách kinh tế vĩ mô sẽ không quá ấn tượng nhưng được sớm tung ra trong năm 2022.

Lưu ý của ông Larry Hu, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc của Macquarie Group viết rằng các nhà hoạch định chính sách sẽ bắt đầu với những công cụ tài khóa và tiền tệ "thông thường", ví dụ như cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc và tăng tốc chi tiêu cơ sở hạ tầng. Nếu những nỗ lực này không đem lại kết quả, chính phủ có thể nới lỏng hạn chế lên bất động sản và nợ của chính quyền địa phương.

Bắc Kinh cũng được cho là sẽ chỉ dẫn các ngân hàng tăng tốc độ cho vay sau khi lược bỏ nội dung về nỗ lực kiềm chế nợ trong nền kinh tế trong bản tóm tắt cuộc họp.

Ông Chen Long, nhà phân tích tại hãng tư vấn Plenum chỉ ra: "Các nhà hoạch định chính sách đã bỏ rất nhiều từ ngữ hơi hướng diều hâu về tăng trưởng tín dụng". Trong chính sách tiền tệ, "diều hâu" hàm ý chủ trương thắt chặt.

Trong cuộc họp ngắn cuối tuần trước, ông Han Wenxiu, quan chức kinh tế cấp cao nói rằng quan chức địa phương cần phải suy nghĩ kỹ trước khi tiến hành bất kỳ chính sách nào có thể gây hại tới tăng trưởng kinh tế.

"Mọi khu vực và cơ quan phải có trách nhiệm duy trì ổn định kinh tế, tích cực đưa ra các chính sách có thể giúp ổn định nền kinh tế và thận trọng trong việc áp dụng các biện pháp có thể tạo ra ảnh hưởng thu hẹp tăng trưởng".

Tuy nhiên cuộc họp cũng kêu gọi chính quyền địa phương tránh vay thêm nợ. Điều này cho thấy Trung Quốc khó có thể duy trì chi tiêu tài khóa lớn trong lâu dài.

Ý kiến của ông Houze Song, nhà nghiên cứu tại Viện Paulson: "Tôi thấy có vẻ Trung Quốc sẽ chỉ tung kích thích mạnh mẽ trong quý đầu tiên. Do Trung Quốc vẫn đặt kiểm soát chặt chẽ lên nợ mới ngoài ngân sách của chính quyền địa phương, kích thích sẽ suy yếu trong nửa cuối năm khi chi tiêu tài khóa trong ngân sách bình thường trở lại".

Giang