|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Kinh tế giảm tốc và rủi ro tứ bề, Trung Quốc sẽ thay đổi lập trường chính sách để củng cố tăng trưởng?

19:16 | 10/12/2021
Chia sẻ
Trong tuần này, các lãnh đạo hàng đầu chính phủ Trung Quốc sẽ nhóm họp để quyết định chương trình nghị sự kinh tế cho năm 2022. Giới phân tích dự đoán Bắc Kinh sẽ chuyển trọng tâm sang củng cố tăng trưởng thay vì tháo dỡ đòn bẩy kinh tế như năm qua.
Kinh tế giảm tốc và rủi ro tứ bề, Trung Quốc sẽ thay đổi lập trường chính sách để củng cố tăng trưởng? - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: Bloomberg).

Tuần này, Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương thường niên (CEWC) sẽ khai mạc với sự có mặt của các thành viên cấp cao trong chính phủ Trung Quốc, bao gồm Chủ tịch Tập Cận Bình. Tại đây, giới lãnh đạo sẽ vạch ra chương trình nghị sự kinh tế cho năm 2022.

Bloomberg dự đoán các nhà đầu tư quốc tế sẽ chú ý theo dõi cuộc họp để xem liệu Bắc Kinh sẽ tiến tới nới lỏng chính sách kinh tế để củng cố tăng trưởng đang trên đà giảm tốc.

Chuyên gia phân tích He Wei tại công ty tư vấn Gavekal Dragonomics nhận định: "Năm nay, Trung Quốc đã tập trung nhiều vào việc ngăn ngừa các rủi ro dài hạn đối với nền kinh tế. Sang năm 2022, chắc chắn Bắc Kinh sẽ nghiêng về hỗ trợ tăng trưởng".

Cuộc họp của chính phủ Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế tỷ dân đang chững lại do thị trường bất động sản sa sút, tiêu dùng suy yếu và đại dịch COVID-19 bùng phát liên tục gây ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Đặc biệt, sự kiện trên còn khai mạc ngay sau khi Fitch Ratings tuyên bố tập đoàn địa ốc nặng nợ nhất thế giới Evergrande đã vỡ nợ do không thể thanh toán hai khoản lãi trái phiếu quốc tế trị giá hơn 80 triệu USD dù đã được ân hạn 30 ngày.

Mục tiêu tăng trưởng chính thức cho năm 2022 sẽ chỉ được tiết lộ tại cuộc họp quốc hội vào tháng 3/2022, nhưng các chuyên gia dự đoán CEWC sẽ phát tín hiệu là Bắc Kinh muốn đảm bảo tăng trưởng năm sau đạt khoảng 5%.

Đó sẽ là một bước thụt lùi so với dự báo tăng trưởng 8% cho năm nay. Song, con số trên vẫn đủ mạnh để Trung Quốc đạt được mục tiêu tăng gấp đôi quy mô kinh tế vào năm 2035.

Kinh tế giảm tốc và rủi ro tứ bề, Trung Quốc sẽ thay đổi lập trường chính sách để củng cố tăng trưởng? - Ảnh 2.

"Trong quá khứ, Bắc Kinh thường sẽ cố gắng hoàn thành được mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong một năm có biến động chính trị lớn như năm 2022", Morgan Stanley nói thêm, hàm ý đến việc sự kiện Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc vào tháng 3/2022, các đại biểu sẽ lựa chọn ra bộ máy lãnh đạo cốt cán cho 5 năm tới.

Dưới đây là các chi tiết mà các nhà phân tích đang kỳ vọng sẽ xuất hiện tại cuộc họp tuần này:

PBoC sẽ bơm thêm tiền vào nền kinh tế

Theo Bloomberg, khá nhiều nhà kinh tế dự đoán Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) sẽ cắt giảm lãi suất điều hành vào năm tới. Một số còn nhận định động thái giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc thời hồi đầu tháng 12 sẽ khiến lãi suất cho vay sẽ hạ nhiệt ngay trong tháng cuối cùng của năm 2021.

Ngoài ra, các chuyên gia ngày càng đồng thuận rằng PBoC sẽ bơm thêm tín dụng vào nền kinh tế sau khi tăng trưởng tín dụng chậm lại rõ rệt trong năm nay.

Kinh tế giảm tốc và rủi ro tứ bề, Trung Quốc sẽ thay đổi lập trường chính sách để củng cố tăng trưởng? - Ảnh 3.

Hơn nữa, nếu các nhà lãnh đạo đề cập đến việc thúc đẩy chi tiêu chính phủ hoặc đầu tư cơ sở hạ tầng, đây cũng sẽ là một tín hiệu quan trọng vì Bắc Kinh đã thắt chặt chính sách tài khóa trong năm nay, đồng thời chính quyền các địa phương cũng hạn chế đi vay lẫn chi tiêu hơn.

UBS Group kỳ vọng sang năm 2022, Trung Quốc sẽ "đẩy mạnh chi tiêu công cũng như sử dụng hiệu quả hơn trái phiếu địa phương, đồng thời hạ thuế và phí để hỗ trợ nền kinh tế chung'.

Tuy nhiên, theo ông He của Gavekal, nếu các quan chức cấp cao tập trung hơn vào "tính bền vững" của hệ thống tài chính công, các cơ quan nhà nước vẫn sẽ thận trọng với kích thích tài khóa, vì doanh thu từ việc bán đầu được dự đoán sẽ tiếp tục đi xuống vào năm 2022.

Tháo gỡ đòn bẩy tài chính

Trong bối cảnh Trung Quốc nỗ lực kiềm chế khối nợ phình to, tỷ lệ đòn bẩy vĩ mô của nền kinh tế tỷ dân, hay tỷ lệ nợ trên GDP, đã giảm xuống còn 264,8% vào cuối tháng 9, theo dữ liệu từ Viện Tài chính & Phát triển Quốc gia Trung Quốc. Kết quả này cũng tụt đáng kể so với mức đỉnh 271,2% hồi cùng kỳ năm ngoái.

Kinh tế giảm tốc và rủi ro tứ bề, Trung Quốc sẽ thay đổi lập trường chính sách để củng cố tăng trưởng? - Ảnh 4.

Tăng trưởng tín dụng của Trung Quốc được dự đoán sẽ tăng mạnh trong nửa đầu năm 2022. Dù vậy, các chuyên gia vẫn đang tranh luận gay gắt liệu Bắc Kinh sẽ nới lỏng tiêu chuẩn vay vốn đối với các công ty địa ốc đến mức nào.

Ông Xing Zhaopeng, chiến lược gia cấp cao tại ngân hàng ANZ, tin rằng các nhà chức trách Trung Quốc có thể sẽ cho phép tỷ lệ nợ trên GDP tăng thêm 4 điểm % trong cả năm 2022.

"Tổng mức tín dụng mới có thể quay trở lại mức cao của năm 2020. Theo tôi, chính quyền ông Tập Cận Bình sẽ nới lỏng tiêu chuẩn cho vay, miễn sao không làm cho giá nhà đất tăng chóng mặt", vị chiến lược gia cho hay.

Bớt kìm kẹp ngành bất động sản

Lĩnh vực bất động sản, động cơ giúp nền kinh tế Trung Quốc phục hồi trong những đợt suy thoái trước, sẽ là mối quan tâm hàng đầu của thị trường trong năm tới.

Dù Bắc Kinh khó có thể quay trở lại các chính sách bất động sản trong quá khứ, giới phân tích vẫn tin rằng các cơ quan quản lý sẽ nới lỏng một số quy định để ngăn lĩnh vực bất động sản sụp đổ.

Tại cuộc họp trù bị của Bộ Chính trị Trung Quốc vào tuần trước, các nhà lãnh đạo đã cam kết sẽ "hỗ trợ thị trường nhà ở thương mại để đáp ứng nhu cầu hợp lý của người mua", đồng thời xóa cụm từ "nhà để ở, không phải để đầu cơ" khỏi tuyên bố chính sách.

Phiên họp tuần này sẽ cung cấp cho các nhà đầu tư dữ kiện cụ thể hơn về mức độ nới lỏng quy định bất động sản của Bắc Kinh.

Điều chỉnh các biện pháp kiểm soát các ngành công nghiệp lớn

Liệu Trung Quốc sẽ tiếp tục siết chặt các biện pháp kiểm soát những ngành công nghiệp lớn như luyện thép, giáo dục và internet hay không vẫn là một chủ đề còn gây tranh cãi, đặc biệt là khi các chính sách này gây áp lực suy giảm lên nền kinh tế.

Nhà đầu tư quốc tế sẽ rất hoan nghênh tín hiệu rõ ràng hơn từ Bắc Kinh, nhất là khi họ đã thua lỗ hàng tỷ USD sau khi Trung Quốc tung ra một loạt chiến dịch "càn quét" trong năm nay.

Một số nhà kinh tế kỳ vọng Bắc Kinh sẽ thay đổi lập trường để củng cố tăng trưởng GDP, trong khi số khác cho rằng các nhà lãnh đạo sẽ giữ nguyên các chính sách ban hành trong năm qua để theo đuổi tham vọng "thịnh vượng chung" của ông Tập.

Yên Khê