|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

5 bài toán kinh tế khó mà Trung Quốc phải loay hoay tìm lời giải

14:46 | 29/11/2021
Chia sẻ
Giới phân tích dự kiến sang năm 2022, Trung Quốc sẽ phải chuyển trọng tâm sang hỗ trợ nền kinh tế sau loạt chính sách hà khắc đè nặng lên các ngành bất động sản, giáo dục, công nghệ và năng lượng trong năm 2021.
5 bài toán kinh tế khó mà Trung Quốc phải loay hoay tìm lời giải - Ảnh 1.

Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 4,9% trong quý 3/2021 so với năm trước và dự kiến sẽ còn chậm lại. (Ảnh: AFP).

Chính phủ Trung Quốc siết chặt quy định quản lý trong năm nay nhằm tái cân bằng tăng trưởng dài hạn và ứng phó với căng thẳng ngày càng gia tăng với Mỹ. Tuy nhiên, những động thái này đã bộc lộ rủi ro đối với mô hình tăng trưởng của Trung Quốc.

GDP quý III của Trung Quốc tăng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm mạnh so với tốc độ tăng 7,9% quý trước đó. 

Ông Larry Hu, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Macquarie Capital cho rằng trong năm tới, các nhà hoạch địch chính sách sẽ tập trung vào bảo vệ mục tiêu tăng trưởng GDP tối thiểu 5% và tránh các thay đổi khốc liệt có thể làm đảo lộn hiện trạng.

Dưới đây là danh sách các vấn đề Bắc Kinh có thể phải tìm cách cân đối trong năm tới để ổn định tăng trưởng.

Chiến lược "Zero COVID" và tiêu dùng

Lập trường không khoan nhượng với COVID-19 đã giúp Trung Quốc phục hồi mạnh mẽ từ khủng hoảng y tế. Tuy nhiên, cái giá để duy trì chính sách này đang gia tăng.

Tiêu dùng của các hộ gia đình có lẽ là lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất - đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ - do hạn chế đi lại, phong tỏa và tâm lý tiêu dùng yếu.

Sự xuất hiện của biến chủng Omicron có thể khiến Trung Quốc càng quyết tâm duy trì chính sách chống COVID-19 nghiêm ngặt.

Ông Mark Williams, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á tại Capital Economic viết trong lưu ý hôm 26/11: "Sự lan truyền của các biến chủng có khả năng lây nhiễm cao có thể khiến chiến lược Zero CODVID không thể duy trì được. Nhưng trong ngắn hạn, nhiều khả năng giới chức trách sẽ tăng cường nỗ lực này".

Nghiên cứu Đại học Bắc Kinh công bố cuối tuần trước cảnh báo rằng Trung Quốc có thể đối mặt với hơn 630.000 ca nhiễm mỗi ngày nếu bỏ chính sách Zero COVID đồng thời nới lỏng hạn chế đi lại.

Báo cáo tháng 11 của Nomura viết: "Chúng tôi dự kiến tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc sẽ giảm tốc nhanh chóng do mốc cơ sở lớn, sự chuyển dịch của tiêu dùng ngoại quốc từ hàng tiêu dùng lâu bền sang dịch vụ, suy giảm tự nhiên trong nhu cầu hàng hóa lâu bền, đồng nhân dân tệ mạnh lên và lạm phát chỉ số giá sản xuất tăng mạnh".

5 bài toán kinh tế khó mà Trung Quốc phải loay hoay tìm lời giải - Ảnh 2.

Áp lực chồng chất lên việc làm

Theo Viện Tài chính và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NFID), tỷ lệ thất nghiệp ở những người có trình độ học vấn cao của đất nước này luôn ở mức trên 20% trong năm nay.

Ông Li Yang, Chủ tịch NFID, cho biết thị trường lao động đang phải chịu đựng tình trạng mất cân bằng nghiêm trọng khi Trung Quốc thúc đẩy cắt giảm phát thải trong ngành công nghệp nặng, và người lao động bị sa thải. Cuộc trấn áp ngành gia sư trực tuyến và bất động sản có thể khiến tình trạng thất nghiệp của thanh niên trở nên tồi tệ hơn.

Các ngành liên quan đến bất động sản chiếm khoảng 28% GDP Trung Quốc và 26% việc làm thành thị, báo cáo của Moody's cho biết. Do đó, thua lỗ và vỡ nợ trên thị trường bất động sản gây rủi ro cho các nhà phát triển lẫn chủ nợ, ngân hàng, chính quyền địa phương và hộ gia đình.

Khủng hoảng năng lượng

Năm nay, giá than cao và hàng tồn kho thấp khiến Trung Quốc trải qua một trong những cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ nhất trong lịch sử. Hàng loạt nhà máy và hộ gia đình ở Trung Quốc bị cắt điện.

Bắc Kinh phản ứng bằng cách thúc đẩy khai thác than và tự do hóa giá cả trên thị trường điện do nhà nước kiểm soát để giảm bớt áp lực tài chính đối với các nhà máy phát điện chạy bằng than.

Thủ tướng Lý Khắc Cường nhận xét Trung Quốc vẫn là một quốc gia đang phát triển và nhu cầu năng lượng sẽ tăng lên, có nghĩa là mục tiêu "trung hòa carbon" cần phải được theo đuổi từng bước một cách khoa học.

Trung Quốc có thể phải phụ thuộc vào than trong nhiều năm tới. Ông Gao Shanwel, nhà kinh tế trưởng của Essence Securities, cho biết chiến lược hiện tại của Trung Quốc là hạn chế sản xuất than nhằm đạt mục tiêu khí hậu có thể gia tăng rủi ro gián đoạn kinh tế vì các nguồn năng lượng thay thế như gió, mặt trời và thủy điện không ổn định.

Nomura cảnh báo thiếu hụt năng lượng có thể tái xuất vào mùa đông khi nhu cầu gia tăng. Kỳ Olympics mùa đông đầu năm sau cũng có thể khiến nhiều nhà máy phải đóng cửa.

Giảm đòn bẩy trong ngành bất động sản

Nỗ lực giảm nợ vay trong khu vực bất động sản đã dẫn tới giá và doanh số bán nhà sụt giảm, đồng thời đè nặng lên tăng trưởng của Trung Quốc trong năm nay.

Tình hình có thể trở nên trầm trọng hơn với việc thí điểm thuế bất động sản ở một số khu vực. Kế hoạch này được áp dụng cho bất động sản dân cư lẫn phi dân cư, nhưng các hộ gia đình nông thôn sẽ được miễn, theo South China Morning Post (SCMP). 

Chủ tịch Tập Cận Bình nhiều lần phát biểu rằng nhà là để ở chứ không phải để đầu cơ. Nhưng Chủ tịch Li của NFID nói rằng đến nay các biện pháp của chính phủ đã thất bại trong việc đạt được mục tiêu của ông Tập.

Ông Li cho rằng một mình thuế bất động sản sẽ không đủ để giải quyết vấn đề nhà ở, mà cần cuộc cải cách hoàn toàn thị trường nhà ở, thu thuế, tài chính của chính quyền trung ương và chính quyền địa phương, cùng lĩnh vực ngân hàng.

"Điều đầu tiên cần làm là duy trì ổn định. Việc rút dòng vốn chảy vào ngành bất động sản không phải sự lựa chọn khả thi… Nếu chúng ta không giải quyết những vấn đề trên, các rắc rối tương tự sẽ vẫn tiếp diễn".

Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung

Mô hình kinh tế do nhà nước lãnh đạo và các chính sách công nghiệp của Trung Quốc là một điểm nhức nhối trong quan hệ thương mại với Mỹ.

Tuy Bắc Kinh đã xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), thúc đẩy sân chơi bình đẳng giữa các doanh nghiệp nhà nước và các đối thủ cạnh tranh tư nhân, nhưng khó có khả năng Trung Quốc sẽ sớm thực hiện những thay đổi quan trọng.

Tuần trước, công ty dự báo toàn cầu Oxford Economics cho biết Trung Quốc có thể sẽ có thêm động thái để giảm thuế quan nhập khẩu, cho phép thêm đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực hạn chế.

Nhưng Trung Quốc sẽ duy trì mô hình kinh tế bất chấp Mỹ và Liên minh châu Âu kêu gọi nước này giảm trợ cấp nhà nước.

"Triển vọng dài hạn của chúng tôi bao gồm một số "tách rời" và điều chỉnh chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc nhằm cắt giảm chi phí, đa dạng hóa cũng như các cân nhắc về địa chính trị và an ninh. Đặc biệt, chúng tôi dự kiến Mỹ tiếp tục hạn chế Trung Quốc tiếp cận công nghệ tiên tiến", Oxford Economics nói thêm.

Giang