Kế hoạch đánh thuế bất động sản của Trung Quốc ảnh hưởng thế nào tới thế giới?
Thời điểm là tất cả. Thành công của mọi kế hoạch thường có liên quan tới khi nào nó được thực hiện.
Sau khi Trung Quốc thông báo kế hoạch áp dụng thuế bất động sản trên toàn quốc để giải quyết tình trạng bất bình đẳng, nhiều người lo ngại rằng động thái này sẽ là giọt nước cuối cùng làm tràn ly, khiến thị trường bất động sản đang chao đảo phải sụp đổ. Nguy hiểm hơn, loại thuế này có thể là đòn giáng nặng nề vào kinh tế Trung Quốc, tạo ra hiệu ứng domino trên toàn cầu.
Chính sách thuế bất động sản sẽ không có hiệu lực ngay lập tức. Đầu tiên Trung Quốc sẽ thực hiện chương trình thử nghiệm trong 5 năm tới ở vài thành phố. Câu hỏi khi nào chính sách sẽ được thực thi ngày càng quan trọng trong bối cảnh lĩnh vực bất động sản Trung Quốc đang phải chịu áp lực khổng lồ.
Vào tháng 8, Chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu: "Chúng ta phải tích cực và đều đặn thúc đẩy cải cách và luật thuế bất động sản, đồng thời thực hiện tốt các thí điểm".
Hiện tại Trung Quốc đại lục chỉ đánh thuế giao dịch bất động sản. Sau nhiều năm thảo luận về loại thuế bất động sản hàng năm đầu tiên trong lịch sử quốc gia, Trung Quốc quyết định sẽ "nhanh chóng" soạn thảo sắc thuế sau khi chương trình thí điểm được hoàn thành.
Dự kiến bất động sản dân cư lẫn phi dân cư đều sẽ bị đánh thuế dựa trên giá trị, nhưng các hộ gia đình nông thôn sẽ được miễn.
Tuy kế hoạch đánh thuế chưa cung cấp thêm bất kỳ chi tiết nào, thông báo phát đi đã nêu bật quyết tâm của giới lãnh đạo cấp cao nhất Trung Quốc trong việc đánh thuế tài sản trên toàn quốc.
Bà Rosealea Yao, nhà phân tích của Gavekal Dragonomics cho biết: "Người sở hữu nhà và người mua giờ đây phải tính tới tiềm năng nghĩa vụ thuế tương lai, và điều này sẽ làm giảm giá bất động sản".
Con số chính thức vẫn chưa được tiết lộ, nhưng nếu thuế suất là 1%, các khoản nộp thuế tương lai sẽ tương đương 20-40% giá trị một bất động sản ngày nay, dựa trên thời hạn thuê tối đa 70 năm của bất động sản ở Trung Quốc.
Bà Yao nói tiếp: "Do chu kỳ bất động sản đã đi xuống khá nhanh trong những tháng gần đây, việc công bố kế hoạch thuế có nguy cơ khuếch đại sự sụt giảm về giá và doanh số bán nhà".
Quyền sở hữu tư nhân đối với bất động sản ở Trung Quốc mới chỉ bắt đầu vào năm 1998. Dù có lịch sử tương đối ngắn, những nơi như Thượng Hải, Thâm Quyến và Bắc Kinh chỉ xếp sau Hong Kong trong danh sách các thị trường nhà ở đắt đỏ nhất thế giới.
Đặt cược vào nhu cầu khổng lồ từ quá trình đô thị hóa nhanh chóng, giới nhà giàu Trung Quốc đã tích trữ bất động sản. Họ chờ đợi đến lúc giá tăng và bán ra để trở thành những triệu phú và tỷ phú mới.
Giá nhà tại 4 thành phố cấp một của Trung Quóc đã tăng gấp ba trong 10 năm qua, từ khoảng 2.820 đến 8.693 USD/m2.
Tại Thâm Quyến, nơi giá bất động sản tăng phi mã trong những năm gần đây, số tiền để mua một căn hộ tương đương với thu nhập của một hộ gia đình trong 43 năm, theo số liệu của Numbeo.
Với tuyên bố "Nhà là để ở chứ không phải để đầu cơ", Chủ tịch Tập Cận Bình đã tung ra loạt biện pháp trấn áp nạn đầu cơ. Dưới sự chỉ đạo của ông Tập, lãi suất thế chấp, hạn chế mua nhà thứ hai và thuế bán bất động sản đã tăng lên, còn quy định liên quan đến các khoản vay cho các doanh nghiệp địa ốc đã được thắt chặt.
Một số nhà phát triển lớn của Trung Quốc, ví dụ như Evergrande, đang lâm vào nguy cơ vỡ nợ.
Tháng trước, các nhà nghiên cứu thuộc tổ chức Diễn đàn Tài chính Trung Quốc 40 cảnh báo: "Cú hạ cánh cứng của thị trường bất động sản sẽ có tác động nghiêm trọng đến kinh tế thực của Trung Quốc".
Nỗi lo kinh tế
Bất động sản từ lâu đã là trụ cột của nền kinh tế Trung Quốc, đóng góp cho 25% GDP nếu tính cả tác động gián tiếp như nhu cầu dành cho thép và xi măng.
Dữ liệu chính phủ cho thấy sản lượng trong ngành bất động sản và xây dựng lần lượt giảm 1,6% và 1,8% trong quý III năm nay. Sự suy yếu của ngành bất động sản và xây dựng đã tạo ra lực cản lớn lên nền kinh tế, GDP tăng trưởng với tốc độ thấp hơn kỳ vọng là 4,9%.
Một cuộc khảo sát của Cơ quan Thông tin Bất động sản Trung Quốc cho thấy doanh số bán đất trong quý III lao dốc 47% so với năm ngoái. Trong tháng 10, giá nhà trên toàn quốc giảm tháng thứ hai liên tiếp. Trong số 70 thành phố mà Cục thống kê quốc gia Trung Quốc thu thập dữ liệu, có tới 62 thành phố ghi nhận giá nhà suy giảm.
Theo các nhà kinh tế, nếu kỳ vọng về thuế bất động sản khiến sự suy giảm trở nên trầm trọng hơn, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ còn đi xuống hơn nữa. Nguyên nhân là các ngành liên quan như thép, xi măng, máy móc kỹ thuật và thiết bị gia dụng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.
Ông Louis Kuijs, nhà kinh tế trưởng phụ trách khu vực châu Á tại Oxford Economics cho biết kịch bản cơ sở của tổ chức này là sự giảm tốc khu vực bất động sản của Trung Quốc sẽ có tác động "đáng kể nhưng trong tầm kiểm soát".
Tuy nhiên với xác suất trung bình, đà xuống dốc của thị trường bất động sản tương lai có thể trở nên rõ rệt như những năm 2014-2015.
Theo kịch bản này, tăng trưởng đầu tư bất động sản sẽ giảm 8,8% trong quý IV/2022. Tốc độ tăng GDP Trung Quốc sẽ chậm lại còn 3%, lấy mất 0,7 điểm % tăng trưởng GDP thế giới.
Giá kim loại toàn cầu cũng sẽ giảm mạnh. Các nước xuất khẩu hàng hóa bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng, bao gồm hầu hết các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương như Hàn Quốc, Malaysia và Singapore, cũng như Đức, Australia và Arab Saudi.
Còn trong kịch bản ít khả năng hơn là đầu tư vào khu dân cư của Trung Quốc lao dốc nhiều như ở Mỹ những năm 2000, tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ chỉ còn 1% vào quý IV/2024, còn tăng trưởng GDP toàn cầu hụt 1,6 điểm %.
Ông Kuijs nhấn mạnh rằng kế hoạch đánh thuế bất động sản có thể có hậu quả kinh tế lớn đối với cả Trung Quốc và thế giới.
Các nhà kinh tế thuộc Diễn đàn Tài chính Trung Quốc 40 khuyến nghị: "Trung Quốc nên trì hoãn việc đưa ra các chính sách có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường bất động sản trong thời gian gần".
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/