|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Với Trung Quốc, vũng lầy Evergrande có thể khó thoát ra hơn cả COVID-19

16:29 | 18/11/2021
Chia sẻ
Nền kinh tế thế giới đang chật vật để rũ bỏ khủng hoảng COVID-19 giờ lại vướng phải lực cản mới – sự giảm tốc rõ rệt của Trung Quốc.
Với Trung Quốc, vũng lầy Evergrande có thể khó thoát ra hơn cả COVID-19 - Ảnh 1.

Đường phố ở Trung Quốc. (Ảnh: AP).

Theo dự báo của Bloomberg Economics, GDP quý IV của Trung Quốc sẽ tăng trưởng 5%, tương tự như kết quả 4,9% đáng thất vọng của ba tháng trước, và thấp hơn hẳn tốc độ 6-7% ghi nhận trước đại dịch.

Sự suy giảm này phản ánh tác động tổng hợp của một số yếu tố, đầu tiên là sự yếu kém của bất động sản. Rắc rối của tập đoàn nặng nợ Evergrande là phần nổi của ngành bất động sản đã xây dựng quá thừa nhà, dùng đòn bẩy quá lớn và túng thiếu tiền trả nợ khi doanh số suy giảm. 

Do bất động sản đóng góp 25% GDP của Trung Quốc, khủng hoảng của ngành này tạo ra lực cản đáng kể đối với toàn nền kinh tế. Cộng với thiếu hụt năng lượng và các đợt tái bùng phát COVID-19, tăng trưởng Trung Quốc hiện nay thấp hơn hẳn kỳ vọng về sự nối tiếp cuộc phục hồi kinh tế chữ V.

Hai nhà kinh tế của Bloomberg là Tom Orlik và Bjorn Van Roye cho biết: "Tăng trưởng của Trung Quốc đã giảm tốc đáng kể và kích thích vẫn chưa được tung ra. Mỹ đang phải đối phó với 5 triệu việc làm thiếu hụt và lạm phát cao nhất trong ba thập kỷ. Sự sụt giảm của Trung Quốc có nguy cơ làm trầm trọng thêm các vấn đề".

Với Trung Quốc, vũng lầy Evergrande có thể khó thoát ra hơn cả COVID-19 - Ảnh 2.

Dự doán thay đổi GDP của các nền kinh tế phát triển được thể hiện dưới dạng so sánh với quý trước, các nền kinh tế phát triển là so với cùng kỳ năm trước.

HIện tại, ước tính đồng thuận của các nhà kinh tế cho tăng trưởng quý IV của Trung Quốc là 3,5% - thấp hơn cả dự báo của Bloomberg Economics. Tính chung cả năm 2021, Trung Quốc được dự kiến tăng trưởng khoảng 8% chủ yếu nhờ hoạt động tích cực trong 6 tháng đầu năm.

Các nền kinh tế phát triển lớn không nhanh chóng phải chịu ảnh hưởng từ Trung Quốc. Bloomberg ước tính GDP Mỹ tăng 4,6% trong quý IV, tính theo tỷ lệ được chuẩn hóa theo năm. Đức đang trên đường đạt được thành tích tương tự. Nhật Bản cũng được kỳ vọng là sẽ ghi nhận quý cuối năm mạnh mẽ.

Triển vọng của các thị trường mới nổi kém ấn tượng hơn. Ấn Độ đang chậm lại khi đà phục hồi ban đầu mất dần.

Những kết quả trái ngược trên có nghĩa là hầu hết các nền kinh tế lớn sẽ kết năm 2021 với GDP thấp hơn quỹ đạo trước đại dịch. Nếu tăng trưởng Trung Quốc không nhanh chóng hồi sinh thì tác động từ sự giảm tốc của nước này có thể khiến cuộc phục hồi toàn cầu chệch hướng hơn nữa.

Với Trung Quốc, vũng lầy Evergrande có thể khó thoát ra hơn cả COVID-19 - Ảnh 3.

Rắc rối từ Trung Quốc xuất hiện đúng lúc kinh tế toàn cầu còn phải "đánh vật" với một thách thức khác – lạm phát cao. Bloomberg dự báo lạm phát của Mỹ sẽ kết năm 2021 ở mức 4,6% - cao hơn gấp đôi so với mục tiêu 2% của Fed. Lạm phát ở khu vực đồng euro và Anh cũng đang nóng lên.

"Phe Tạm thời" – gồm các quan chức ngân hàng trung ương và nhà kinh tế cho rằng lạm phát sẽ nhanh chóng dịu đi – đang rút lui. Nếu có bất kỳ niềm an ủi nào từ việc Trung Quốc giảm tốc thì đó có thể là nhu cầu suy yếu làm giảm áp lực lên giá cả.

Từ dầu mỏ, quặng sắt đến đậu nành, lo ngại về sức nhập khẩu của Trung Quốc yếu đi có thể làm giảm giá – từ đó giảm bớt gánh nặng cho ví tiền của người tiêu dùng Mỹ và châu Âu.

Đối với các ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới, 2021 đã mang đến trải nghiệm về sự bẽ bàng.

Dự đoán rằng lạm phát sẽ đi xuống sớm bị chứng minh là sai lầm - buộc các nhà hoạch định chính sách tiền tệ chuyển từ chính sách kích thích thời đại dịch sang bình thường hóa sớm hơn dự kiến.

Với Trung Quốc, vũng lầy Evergrande có thể khó thoát ra hơn cả COVID-19 - Ảnh 4.

Ngân hàng trung ương Anh đã không tăng lãi suất trong tháng 11 như tiên liệu của thị trường, nhưng việc hành động trong những tháng sắp tới là không thể tránh khỏi.

Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã bắt đầu thu hẹp chương trình mua trái phiếu hàng tháng với tốc độ nhanh chóng, mở đường cho khả năng tăng lãi suất vào nửa cuối năm 2022.

Kinh tế Trung Quốc chậm lại tạo ra thêm một biến số quan trọng. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) cho đến nay vẫn chậm chạp trong việc giải cứu kinh tế, nhưng nếu sự yếu kém vẫn tiếp diễn, Thống đốc Dịch Cương gần như chắc chắn sẽ phải hành động. Nhà kinh tế Chang Shu của Bloomberg dự kiến Trung Quốc sẽ cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc trước cuối năm nay nhằm giải phóng thêm tiền để các ngân hàng cho vay.

Đối với phần còn lại của thế giới, Trung Quốc có thể mang đến một bước ngoặt khác cho kế hoạch của các ngân hàng trung ương. Vào năm 2015, tâm lý ngại rủi ro toàn cầu gây ra bởi sự sụp đổ của thị trường chứng khoán Trung Quốc đã khiến Fed trì hoãn khởi động chu kỳ thắt chặt. Kịch bản tương tự có thể xảy ra lần nữa.

Giang