|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Áp lực lạm phát của Trung Quốc dấy lên lo ngại về giá cả toàn cầu

12:50 | 11/11/2021
Chia sẻ
Trong tháng vừa qua, giá cả hàng hóa xuất xưởng của Trung Quốc tăng với tốc độ lớn nhất trong hàng chục năm, làm gia tăng áp lực lên lạm phát thế giới.

Lạm phát của Trung Quốc đang ngày càng tệ đi. Tốc độ tăng giá cả hàng hóa xuất xưởng từ nhà máy đã leo lên kỷ lục mới vào tháng trước. Ngày càng có nhiều dấu hiệu rằng ví tiền của người tiêu dùng đang vơi đi rõ rệt.

Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết trong tháng 10, chỉ số giá sản xuất (PPI) nhảy vọt 13,5% so với một năm trước, tăng tốc từ mức 10,7% tháng trước đó. Tháng 10 đánh dấu tốc độ tăng lớn nhất của chỉ số giá sản xuất kể từ khi chính phủ Trung Quốc bắt dầu công bố dữ liệu này hồi thập niên 1990, theo Eikon Refinitv.

Áp lực lạm phát của Trung Quốc dấy lên lo ngại về giá cả toàn cầu - Ảnh 1.

Có vẻ chi phí sản xuất gia tăng đang "nhỏ giọt" xuống người tiêu dùng. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 của Trung Quốc đi lên 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 9/2020.  

Ông Zhiwei Zhang, nhà kinh tế trưởng của Pinpoint Asset Management cho biết: "Chúng tôi thấy quan ngại về việc chuyển chi phí của nhà sản xuất sang người tiêu dùng. Trước đây doanh nghiệp tránh tăng giá bán bằng cách tận dụng hàng tồn kho sẵn có, nhưng giờ kho của họ cũng cạn".

Tháng 10 là lần đầu tiên lạm phát tiêu dùng của Trung Quốc đi lên trong vòng 5 tháng. Tỷ lệ này đã giảm dần kể từ tháng 5. Nhưng hóa đơn tiền điện gia tăng và sự gián đoạn chuỗi cung ứng thực phẩm đã bắt đầu đẩy giá lên cao.

Tuần trước, Bộ Thương mại Trung Quốc ra thông báo khuyến khích các gia đình tích trữ thực phẩm và nhu yếu phẩm hàng ngày vì thời tiết xấu, thiếu hụt năng lượng và các hạn chế ngừa COVID-19 đe dọa làm gián đoạn nguồn cung. Cảnh báo đột ngột này đã khiến người dân hoảng loạn mua đồ tích trữ và đồn đoán điên cuồng trên mạng.

Các nhà chức trách cho rằng lạm phát tiêu dùng gia tăng là do chi phí rau quả và nhiên liệu tăng cao. Ông Dong Lijuan, nhà thống kê cấp cao của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc giải thích giá rau tăng vọt 16% trong tháng 10 chủ yếu vì mưa lớn và chi phí vận chuyển leo thang.

Thời tiết khắc nghiệt đã ảnh hưởng đến mùa màng và các nhà chức trách cũng thừa nhận chi phí vận chuyển giữa các khu vực có thể tăng vì các biện pháp nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn COVID-19. Ông Dong cho biết giá xăng và dầu diesel tăng hơn 30%.

Khủng hoảng năng lượng đang diễn ra cũng là nguyên nhân chính làm tăng lạm phát giá sản xuất, bởi chi phí khai thác và chế biến than đã tăng lên.

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới giảm tốc đáng kể trong quý III do hàng loạt yếu tố bất lợi như thiếu hụt năng lượng, gián đoạn chuỗi cung ứng và khủng hoảng bất động sản.

Áp lực lạm phát của Trung Quốc đang khiến giá cả thế giới leo thang - Ảnh 2.

Lạm phát gia tăng ở Trung Quốc đang làm dấy lên lo ngại toàn cầu. Ông Ken Cheung, trưởng bộ phận đầu tư forex khu vực châu Á của Mizuho Bank cho biết lạm phát giá sản xuất leo lang "đang gây áp lực lên lạm phát toàn cầu".  

Bà Jing Liu, nhà kinh tế học cao cấp của HSBC nhận định lạm phát giá sản xuất của Trung Quốc có thể duy trì ở mức cao "trong một khoảng thời gian, có thể là cho đến hết mùa đông". Bà nói thêm với CNN rằng giá năng lượng cũng có khả năng tiếp tục lên cao và dự kiến lạm phát giá tiêu dùng cũng lên cao hơn. 

Giang