|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

9 năm kinh tế Trung Quốc bùng nổ dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình

15:36 | 10/11/2021
Chia sẻ
Trong thời gian ông Tập đứng đầu Trung Quốc, GDP danh nghĩa của nước này đã tăng hơn 70%. Tuy nhiên Trung Quốc vẫn còn các vấn đề lớn chưa được giải quyết là bất bình đẳng và nợ nần.
9 năm kinh tế Trung Quốc bùng nổ dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình - Ảnh 1.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: Bloomberg).

Kể từ khi ông Tập Cận Bình lãnh đạo Trung Quốc vào năm 2012, kinh tế nước này đã có bước nhảy vọt, với quy mô GDP danh nghĩa từ 50% kinh tế Mỹ lên đến 70%. Khoảng cách này sẽ ngày càng thu hẹp và một số chuyên gia còn ước tính Trung Quốc sẽ vượt mặt Mỹ vào năm 2028.

GDP danh nghĩa của Trung Quốc đã tăng khoảng 70% kể từ năm 2012 đến nay. Tiêu dùng là yếu tố chính đằng sau sự trỗi dậy của nền kinh tế dưới thời ông Tập, với thu nhập khả dụng bình quân đầu người tăng gấp đôi kể từ 2012.

Tổng doanh số bán lẻ của hàng tiêu dùng xã hội, bao gồm cả hàng bán trực tuyến và trực tiếp, đạt 31.800 tỷ nhân dân tệ (4.970 tỷ USD) trong 9 tháng đầu năm 2021 - tăng 110% so với cùng kỳ năm 2012.

Đầu tư tài sản cố định quốc gia hoặc đầu tư vào các công trình công cộng, nhà máy và các cơ sở khác tăng 55%. Trong 10 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu tăng hơn 60% và nhập khẩu tăng gần 50% so với cùng kỳ 2012, Nikkei Asia cho biết. 

9 năm kinh tế Trung Quốc bùng nổ dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình - Ảnh 2.

Ông Tập đặc biệt chú ý đến giúp đỡ các hộ gia đình thu nhập thấp nhằm chấm dứt tình trạng nghèo cùng cực. Thu nhập khả dụng của cư dân thành thị hiện nay cao hơn 160% so với dân nông thôn, giảm so với mức 190% năm 2012.

Nhưng ngay cả khi Trung Quốc củng cố vị thế của mình, tình trạng bất bình đẳng dai dẳng và núi nợ ngày càng phình to phủ bóng đen lên nước này trong bối cảnh ông Tập rất có thể sẽ có nhiệm kỳ chủ tịch nước thứ ba.

Hệ số Gini – thước đo bất bình đẳng phổ biến nhất – của Trung Quốc đã giảm xuống còn 0,46 vào năm 2015. Nhưng kể từ đó hệ số này gần như không biến đổi và lớn hơn hẳn mức trung bình 0,31 của các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Bất bình đẳng không chỉ là câu chuyện vùng miền mà còn là vấn đề trong mỗi thành phố. Đối với nhiều người, giá nhà ở những thành phố lớn nhất hiện nay cao hơn cả số tiền họ kiếm được trong hàng chục năm.

Trong khi những người được sinh ra tại những đô thị này có thể được thừa hưởng từ bố mẹ, những người chuyển đến từ các thành phố nhỏ có thể phải làm lụng cả đời mà không mua nổi nhà. 

9 năm kinh tế Trung Quốc bùng nổ dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình - Ảnh 3.

Thiếu hụt việc làm tốt đe dọa làm trầm trọng thêm bất đình đẳng đô thị. Tuy Trung Quốc mở cửa nền kinh tế sau khủng hoảng COVID-19 sớm hơn các nước lớn khác, số lượng việc làm thành thị vẫn đang thấp hơn mức trước đại dịch.

Theo ước tính của chính phủ, khoảng 200 triệu người Trung Quốc làm việc trong nền kinh tế gig, nhận những công việc tạm thời như giao hàng online. Nhưng sự thiếu ổn định và điều kiện làm việc khắc nghiệt của chúng đã làm nổ ra nhiều tranh cãi.

Nợ nần chồng chất - minh họa bởi khủng hoảng của Evergrande – cũng tạo ra rủi ro kinh tế lớn. Nợ của khu vực tư nhân, không kể đến ngành tài chính, đã tăng khoảng 160% từ quý IV/2012 đến quý I/2021 lên 35.680 tỷ USD, theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS).

Với nợ gia tăng nhanh chóng hơn quy mô nền kinh tế, nghĩa vụ nợ của khu vực tư nhân Trung Quốc hiện tương đương 220% GDP – nhiều hơn cả kỷ lục của Nhật Bản sau thời kỳ đổ vỡ bong bóng giá tài sản cuối thập niên 1980.

Tại cuộc họp quan trọng trong tháng 8, ông Tập và các lãnh đạo cao cấp khác thảo luận cách thúc đẩy "thịnh vượng chung" và xử lý những rủi ro tài chính lớn. Dự kiến Bắc Kinh sẽ đẩy mạnh nỗ lực để chấn chỉnh nợ và bất bình đẳng – hai vấn đề chính cản trở sự trỗi dậy kinh tế Trung Quốc.

Dưới sự lãnh đạo của ông Tập, Trung Quốc cũng đã trở thành cường quốc quân sự toàn cầu. Ngân sách quốc phòng tăng khoảng gần đôi từ năm 2012 đến hơn 1.350 tỷ nhân dân tệ (211 tỷ USD) năm 2021.

Kho tên lửa tầm trung và tầm ngắn của nước này đã mở rộng khoảng 70% lên 216 quả vào năm 2020.

9 năm kinh tế Trung Quốc bùng nổ dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình - Ảnh 3.

Hiện Trung Quốc có sẵn hai tàu sân bay và đang chế tạo tàu thứ ba. Nước này cũng được cho là đang lên kế hoạch bổ sung thêm hai tàu sân bay nữa. Mở rộng hạm đội sẽ làm tăng khả năng ứng phó của Trung Quốc ở các vùng biển lân cận.

Trung Quốc cũng đã tăng số lượng phi đội máy bay quân sự, bao gồm máy bay chiến đấu, máy bay ném bom và máy bay tuần tra, khoảng 50% lên 3.020 chiếc từ năm 2012 đến năm 2020. Máy bay chiến đấu hiện đại tăng gần gấp đôi lên 1.080 chiếc.

Tại lễ kỷ niệm 100 năm Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu: "Chúng ta sẽ nâng các lực lượng vũ trang của nhân dân lên tiêu chuẩn đẳng cấp thế giới". Chi tiêu quân sự của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng trong bối cảnh căng thẳng với Mỹ về vấn đề Đài Loan và Biển Đông ngày càng gay gắt. 

Nếu so sánh GDP của các quốc gia dựa trên ngang giá sức mua (PPP) chứ không phải giá trị danh nghĩa thì Trung Quốc đã vượt mặt Mỹ kể từ năm 2017.

GDP ngang giá sức mua (PPP) của Trung Quốc vượt Mỹ từ lâu.

GDP là giá trị tiền tệ của tất cả các hàng hóa và dịch vụ được sản xuất trong một quốc gia. GDP danh nghĩa tính giá trị tiền tệ theo số liệu tuyệt đối hiện tại. Còn GDP ngang giá sức mua thì điều chỉnh cho giá cả hàng hóa và dịch vụ trong nước và được cho là phản ánh của cải thực tế của các quốc gia một cách chính xác hơn.

Ví dụ, 10 USD ở Trung Quốc sẽ mua được nhiều bánh hamburger hơn là 10 USD ở Mỹ, vì giá bánh ở Trung Quốc rẻ hơn.

Nhưng nếu giả sử Mỹ và Trung Quốc bán tất cả hàng hóa và dịch vụ hai nước này tạo ra để mua một mặt hàng từ nước khác (giả sử là hamburger) thì Mỹ sẽ mua được nhiều hơn bánh hơn là Trung Quốc, vì GDP danh nghĩa của Mỹ lớn hơn.

Giang