|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Kinh tế Trung Quốc căng như dây đàn: Giá thực phẩm tăng nóng, nguy cơ xảy ra lạm phát đình trệ

16:22 | 05/11/2021
Chia sẻ
Tại Trung Quốc, giá lương thực cùng nhiều mặt hàng khác đang tăng chóng mặt, gây áp lực lớn cho các nhà hoạch định chính sách đang hy vọng có thể duy trì tăng trưởng kinh tế ổn định.

Giá thực phẩm leo thang

Báo cáo hàng tuần mới nhất của Bộ Thương mại Trung Quốc cho thấy giá thực phẩm tại đất nước tỷ dân đã tăng liên tục trong 4 tuần của tháng 10. Tuy nhiên, sau khi được công bố vào chiều ngày 2/11, bản báo cáo này đã bị gỡ bỏ khỏi website của Bộ Thương mại Trung Quốc kể từ sáng ngày 3/11.

Dữ liệu cho thấy, trong tuần kết thúc vào ngày 31/10, giá thực phẩm ở Trung Quốc tăng 3,7% so với tuần trước đó, với giá thịt heo leo vọt 10,6% và giá trứng gà nhích 6,4%, theo một đoạn tin trên tờ People's Daily.

Một rổ gồm 30 loại rau củ đã chạm mức 5,99 nhân dân tệ/kg trong tuần cuối cùng của tháng 10, tăng 6,6% so với tuần trước đó. Trong khi ở tuần cuối cùng của tháng 9, chỉ số giá này rơi vào khoảng 4,39 nhân dân tệ/kg.

Bộ Thương mại Trung Quốc không phản hồi yêu cầu bình luận của CNBC. Dữ liệu lạm phát chính thức cho tháng 10 sẽ được công bố vào ngày 10/11 tới.

Kinh tế Trung Quốc căng như dây đàn: Giá thực phẩm tăng nóng, nguy cơ xảy ra lạm phát đình trệ - Ảnh 1.

Người tiêu dùng lựa rau tại một chợ ở Thượng Hải. (Ảnh: Getty Images).

Áp lực đè nặng người tiêu dùng

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) nhiều khả năng sẽ tăng gấp đôi trong tháng 10, chuyên gia kinh tế Robin Xing và các đồng nghiệp tại Morgan Stanley nhận định. Nguyên nhân là do lạm phát thực phẩm tăng mạnh, dù giá heo hơi đã hạ nhiệt phần nào. Vì thời tiết bất lợi, nguồn cung rau củ trở nên thiếu hụt và góp phần kéo giá rau tăng phi mã.

Ông Xing và đồng nghiệp dự đoán, chỉ số CPI trong tháng 10 sẽ tăng khoảng 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng khả năng này vẫn còn tương đối thấp. Vị chuyên gia lưu ý rằng nhu cầu của người tiêu dùng đã đi xuống, đặc biệt là khi giới chức địa phương hạn chế người dân di chuyển để kiểm soát dịch bệnh.

Trong tháng 9, chỉ số CPI của Trung Quốc chỉ tăng nhẹ khoảng 0,7% so với cùng kỳ năm 2020, một phần nhờ giá thực phẩm sụt giảm 5,2%. Dù vậy, chỉ số giá sản xuất (PPI) của tháng 9 đã tăng kỷ lục 10,7% so với tháng 10/2020. Giá vật liệu thô tăng chóng mặt đã ăn mòn lợi nhuận của doanh nghiệp ngành chế tạo.

Ông Bruce Pang, trưởng bộ phận nghiên cứu chiến lược vĩ mô tại China Renaissance, dự đoán chỉ số PPI của tháng 10 có thể lập kỷ lục mới với mức tăng khoảng 11 - 12% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thị trường bất động sản ảm đạm

Giữa lúc giá thực phẩm tăng cao, thị trường bất động sản Trung Quốc, nơi mà hầu hết người dân cất giữ tài sản, lại sa sút. Theo Moody's, khoảng 70 - 80% tài sản hộ gia đình ở Trung Quốc đang nằm trong các dự án địa ốc.

Trong 18 tháng qua, Bắc Kinh đã thực hiện một trong những chiến dịch siết thị trường bất động sản lớn nhất lịch sử, gây xôn xao cho cộng đồng nhà đầu tư. Chưa kể, nguy cơ "bom nợ" Evergrande phát nổ cũng làm giới đầu tư quốc tế đứng ngồi không yên.

Đến nay, giá nhà đất tại Trung Quốc đã bắt đầu lao dốc, mặc dù biến động giữa các địa phương là khác nhau.

Theo dữ liệu sơ bộ từ công ty nghiên cứu bất động sản China Index Academy, giá nhà mới trong tháng 10 hầu hết như không nhúc nhích so với tháng trước đó, chỉ tăng khiêm tốn 0,09%. Đây còn là tháng thứ 4 liên tiếp tăng trưởng giá nhà ở mới chững lại.

Chuyên gia Bruce Pang của China Renaissance cho rằng, áp lực lạm phát trong nước và lộ trình siết chặt chính sách tiền tệ của các nước khác sẽ thu hẹp dư địa chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC).

Nếu vậy, Trung Quốc sẽ phải tăng cường củng cố chính sách tài khóa và công nghiệp để ngăn chặn kịch bản lạm phát đình trệ (stagflation), ông Pang nhấn mạnh. Vị chuyên gia dự đoán tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong quý IV sẽ đạt khoảng 4 đến 5%.

Lạm phát đình trệ là một hiện tượng kinh tế trong đó giá cả leo thang nhưng hoạt động kinh doanh lại đình trệ, dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp tăng cao và sức chi tiêu của người tiêu dùng sụt giảm.

Đầu tuần này, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thông báo sẽ bắt đầu giảm thu mua tài sản từ tháng 11. PBoC chưa tiết lộ liệu quyết định chính sách của họ có dựa trên chính sách của Fed hay không.

Yên Khê

ĐHĐCĐ Vinhomes: Tiếp tục phát triển siêu đại dự án, có thể ra mắt dự án tại Đông Anh và Đan Phượng năm nay khi hoàn tất pháp lý
Trong năm 2024, ban lãnh đạo Vinhomes (Mã: VHM) trình cổ đông kế hoạch kinh doanh với chỉ tiêu doanh thu 120.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 35.000 tỷ đồng; tăng lần lượt 16% và hơn 4% so với thực hiện năm 2023.