|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Trung Quốc tiếp tục gom khí LNG từ Mỹ, châu Âu lâm vào thế bí

07:27 | 03/11/2021
Chia sẻ
Giữa lúc châu Âu phải chật vật tìm kiếm nguồn khí đốt để sưởi ấm trong mùa đông năm nay, Trung Quốc cũng ra sức gom khí LNG để xoa dịu cuộc khủng hoảng thiếu điện trong nước. Vô hình trung, châu Âu càng bị đẩy vào thế bí.

Trung Quốc ký ba hợp đồng LNG lớn với đối tác Mỹ

Theo tài liệu đăng tải trên website của Bộ Năng lượng Mỹ, Sinopec - gã khổng lồ ngành dầu khí Trung Quốc, vừa ký kết ba thỏa thuận mua bán khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) với công ty Venture Global của Mỹ.

Hai hợp đồng đầu tiên có thời hạn 20 năm, Venture Global phải cung ứng tổng cộng 4 triệu tấn LNG cho Sinopec mỗi năm. Hợp đồng không nêu cụ thể thời điểm Venture Global bắt đầu giao hàng, song thông tin trên website của Bộ Năng lượng Mỹ cho biết hai bên đặt bút ký thỏa thuận vào tháng trước.

Hợp đồng còn lại do Venture Global ký với Unipec, công ty thương mại của Sinopec. Theo điều khoản thỏa thuận, công ty xuất khẩu khí đốt nước Mỹ phải cung ứng 1 triệu tấn LNG cho Unipec mỗi năm, liên tục trong ba năm bắt đầu từ ngày 1/3/2023.

Động thái gom hàng của tập đoàn dầu khí nhà nước Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế tỷ dân đang gấp rút đảm bảo nguồn cung năng lượng để đứng vững cú sốc giá khí đốt và cuộc khủng hoảng thiếu điện.

Trung Quốc tiếp tục gom khí LNG từ Mỹ, châu Âu lâm vào thế bí - Ảnh 1.

Một người đàn ông chụp ảnh các mô hình được trưng bày tại gian hàng của Sinopec tại Hội chợ Thương mại Dịch vụ Quốc tế Trung Quốc (CIFTIS) năm nay. (Ảnh: Reuters).

Trong năm nay, Trung Quốc đã vượt Nhật Bản để trở thành nước mua LNG lớn nhất thế giới. Ba thỏa thuận mới nhất với Venture Global còn giúp tăng gấp đôi khối lượng LNG mà Trung Quốc nhập khẩu từ Mỹ. Năm ngoái, Mỹ là nhà cung ứng khí LNG lớn thứ 6 của Trung Quốc với khối lượng khoảng 3,1 triệu tấn.

Chia sẻ với Reuters, một giám đốc cấp cao trong ngành dầu khí Trung Quốc cho biết, các thỏa thuận mới có thể sẽ được công bố tại triễn lãm Import Expo ở thành phố Thượng Hải trong tháng 11.

Trước ba thỏa thuận của Sinopec với Venture Global, công ty tư nhân ENN Natural Gas của Trung Quốc đã ký kết một thỏa thuận kéo dài 13 năm với nhà cung ứng LNG Cheniere Energy của Mỹ. Đây là thỏa thuận lớn đầu tiên giữa hai siêu cường kể từ năm 2018.

Châu Âu bị dồn vào thế khó

Khi Trung Quốc tăng cường gom khí đốt từ các thị trường nước ngoài, châu Âu càng bị đẩy vào bế tắc. Lục địa già sắp sửa bước vào mùa đông với lượng tồn kho khí đốt tự nhiên ở mức thấp nhất trong một thập kỷ.

Các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp và người tiêu dùng đều hy vọng mùa đông năm nay sẽ bớt lạnh giá hơn, nếu không hậu quả sẽ rất nghiêm trọng. Các nước châu Âu đang phải chật vật bổ sung hàng tồn kho và có nguy cơ thiếu hụt nguồn hàng vì nhiều nguyên nhân.

Thông thường, các nhà cung ứng khí đốt sẽ ưu tiên giao hàng cho những nước châu Á như Trung Quốc và Nhật Bản, vì giá của mỗi MMBtu khí đốt đến khu vực này thường cao hơn so với giá tại châu Âu. Chưa kể, là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc có sức mua rất mạnh nên khả năng tác động đến thị trường khí đốt thế giới là không cần bàn cãi.

Kết quả là, "số lượng nguồn cung khí đốt của châu Âu rất hạn chế và lục địa già đang bước vào mùa đông với lượng tồn kho chỉ đạt 71%", BloombergNEF ước tính. Tính trung bình 5 năm, tồn kho khí đốt vào mùa đông tại châu Âu đạt khoảng 92%.

Trung Quốc tiếp tục gom khí LNG từ Mỹ, châu Âu lâm vào thế bí - Ảnh 3.

Một đường ống dẫn khí đốt tự nhiên. (Ảnh: AP).

Các nước châu Âu có thể trông đợi vào một nhà cung ứng khác, chính là Nga. Trong nhiều tuần qua, Điện Kremlin đã không ít lần đề nghị tăng nguồn cung khí đốt cho châu Âu.

Hồi cuối tháng 10, Tổng thống Vladimir Putin đã thúc giục CEO Alexei Miller của ông lớn ngành dầu khí Nga Gazprom: "Tôi muốn các anh sớm lấp đầy các kho dự trữ khí đốt dưới lòng đất ở châu Âu, tại Áo và Đức ngay sau khi bơm đủ cho các kho dự trữ tại Nga".

Song, trở ngại lớn nhất lại là việc Nga đang sử dụng khí đốt như một công cụ nhằm ép buộc chính phủ Đức thông qua đường ống khí đốt gây tranh cãi Nord Stream 2. Một số chuyên gia năng lượng cho rằng Moscow đang "tống tiền" châu Âu bằng khí đốt.

"Châu Âu đang thu mình lại vì lo ngại rằng Nga sẽ siết nguồn cung khí đốt và chỉ mở vòi cho đến khi đường ống Nord Stream 2 được phê duyệt", ông Timothy Ash, chiến lược gia cấp cao tại Bluebay Asset Management, cho hay.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Khả Nhân

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.