|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Lý do Mỹ vẫn bình an vô sự giữa cú sốc giá khí đốt từ đông sang tây

09:24 | 09/10/2021
Chia sẻ
Một cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu đang khiến giá khí đốt tự nhiên ở Anh, châu Âu và châu Á tăng vọt, liên tục xô đổ kỷ lục. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng cú sốc về giá này khó có thể xuất hiện ở Mỹ.

Mỹ bình an vô sự

Phần lớn diễn biến của cuộc khủng hoảng năng lượng sẽ phụ thuộc vào mùa đông sắp tới. Song, Mỹ có lợi thế hơn trong những tháng lạnh vì nước này là nhà sản xuất khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới và mức tồn kho không cạn kiệt như ở châu Âu, CNBC dẫn lời các chuyên gia nhận định.

Ông Francisco Blanch, trưởng bộ phận phân tích hàng hóa tại Bank of America Merrill Lynch, cho hay: "Giá của nhiều sản phẩm năng lượng đều đang tăng cao hiếm có, nhưng Mỹ sẽ khá biệt lập so với xu hướng trên toàn cầu".

Giám đốc điều hành Robert Thummel của hãng đầu tư TortoiseEcofin giải thích thêm: "Mỹ không phải phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt của thế giới, đó là vấn đề của châu Âu chứ không phải Mỹ".

Ông Thummel còn lưu ý rằng tình trạng thiếu hụt năng lượng của châu Âu không phải do thiếu nguồn cung mà là do thiếu cơ sở hạ tầng, đặc biệt là đối với các sản phẩm khí tự nhiên hóa lỏng. "Mỹ không thể ra tay giúp đỡ châu Âu vì không có đủ cơ sở hạ tầng ở cả hai đầu, cả phía Mỹ lẫn châu Âu, và thêm cả châu Á", vị giám đốc nhấn mạnh.

Lý do Mỹ vẫn bình an vô sự giữa cú sốc giá khí đốt từ đông sang tây - Ảnh 1.

Dù nền kinh tế lớn nhất thế giới có lợi thế trong mùa đông tới thì điều đó không có nghĩa là giá khí đốt tại Mỹ sẽ không biến động. Trên thực tế, hợp đồng khí đốt tự nhiên giao sau của Mỹ vừa chạm mức cao nhất kể từ tháng 12/2008 trong phiên giao dịch ngày 5/10.

Sau đó, giá khí tự nhiên giao tháng 11 đã hạ nhiệt, nhưng vẫn đang trên đà tăng tuần thứ 7 liên tiếp. Hợp đồng khí đốt này hiện giao dịch quanh mức 5,63 USD/MMBtu, cao hơn hai lần so với giá hồi đầu năm.

Biến động giá khí đốt ở nước ngoài còn cực đoan hơn nhiều. Các nhà phân tích tại Deutsche Bank lưu ý rằng giá tại châu Âu đã tăng gấp 5 lần, trong khi ở Mỹ và châu Á thì cao hơn khoảng 1,5 lần. Tại châu Âu, giá khí đốt tự nhiên tăng đột biến tương đương với giá dầu giao dịch quanh mức 190 USD/thùng.

"Không thể đánh giá thấp ảnh hưởng của giá khí đốt đến lạm phát, tăng trưởng,…Đây là một thách thức rất lớn", Deutsche Bank nhận định thêm.

Ngoài khí đốt, giá than và dầu thô cũng đang nhảy vọt. Giới phân tích tin rằng xu hướng giá khí đốt tăng quá cao có thể khiến các nước khác chuyển sang sử dụng dầu thô làm nguồn sưởi ấm trong mùa đông.

Tuần này, Credit Suisse đã nâng dự báo giá khí đốt quý IV năm nay lên hơn 60%, từ 3,5 USD/MMBty lên 5,75 USD/MMBtu. Hãng này cho hay: "Việc tồn kho khí đốt cho mùa đông bị siết chặt trong ngắn hạn, trong khi nhu cầu toàn cầu lớn chứng tỏ giá khí đốt sẽ tăng mạnh hơn so với chúng tôi dự đoán trước đó".

Dù dự báo của Credit Suisse đã được điều chỉnh tăng đáng kể so với mức giá trung bình trong vài năm trở lại đây, con số này vẫn thấp hơn mốc 6 USD/MMBtu ghi nhận hồi tuần trước.

Tại sao giá khí đốt lại nhảy vọt?

Theo CNBC, có một số yếu tố nhất định đã thúc đẩy đà tăng của khí đốt tự nhiên và những mặt hàng năng lượng như dầu mỏ và than đá.

Trong bối cảnh các nền kinh tế khởi sắc từ đại dịch, doanh nghiệp quay trở lại hoạt động kinh doanh và người tiêu dùng tăng chi tiêu mua sắm, nhu cầu từ đó dần đi lên. Cùng lúc, các nhà khai thác khí đốt, những người đã trải qua thời kỳ suy thoái chưa từng có trong năm 2020, lại chậm chạp tăng sản lượng.

Hơn nữa, mùa đông năm ngoái lạnh và kéo dài hơn dự kiến cũng khiến lượng tồn kho khí đốt của châu Âu tụt xuống dưới mức trung bình khi khu vực này bước vào mùa thu năm nay.

Ngoài ra, tốc độ gió chững lại và điều kiện thời tiết khô hạn đã gây ảnh hưởng đến sản lượng điện tái tạo. 

Châu Âu là khu vực đi đầu trong cuộc chuyển đổi từ điện than sang năng lượng xanh, một khi rơi vào tình cảnh thiếu năng lượng, các nước lại cạnh tranh nhau để mua được khí đốt tự nhiên.

Sản lượng khí đốt của riêng châu Âu đã sụt giảm trong hai thập kỷ qua và hiện lục địa này đang phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ Nga. Moscow lại đang hạn chế xuất khí đốt sang châu Âu, một động thái được giới chuyên gia cho là xuất phát từ động cơ chính trị nhằm buộc Đức nhanh chóng phê duyệt đường ống Nord Stream 2.

Châu Âu cũng không phải là nơi duy nhất cần thêm khí đốt. Nhu cầu của châu Á đang tăng vọt khi các nước như Trung Quốc tìm cách tránh phụ thuộc vào than đá. Hơn nữa, Trung Quốc còn đang trải qua một cuộc khủng hoảng thiếu điện, nhu cầu càng cao hơn.

Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford đã tổng hợp các yếu tố trên và gọi đây là một "cơn bão hoàn hảo" cho thị trường năng lượng toàn cầu.

Khả Nhân