Dân chen nhau mua đồ tích trữ, liệu Trung Quốc có đang gặp rủi ro an ninh lương thực?
Vì sao dân Trung Quốc gần đây đổ xô mua thực phẩm?
Ngày 1/11/2021, Bộ Thương mại Trung Quốc ra văn bản yêu cầu chính quyền địa phương ổn định giá cả và nguồn cung thực phẩm cho những tháng mùa đông sắp tới.
"Chúng tôi khuyến nghị các hộ gia đình tích trữ một lượng nhu yếu phẩm nhất định để đáp ứng nhu cầu hàng ngày và trường hợp khẩn cấp".
Thông báo trên đã làm nổ ra những cuộc thảo luận sôi nổi trên mạng, một số người thậm chí còn đồn đoán việc này có liên quan đến khả năng tiến quân vào đảo Đài Loan.
Bộ Thương mại phản ứng bằng cách trấn an người dân rằng không có mối đe dọa nào sắp xảy ra đối với nguồn cung cấp thực phẩm. Trong khi đó tờ Nhật báo Kinh tế (Economic Daily) của nhà nước cũng cố gắng dập tắt tin đồn trên mạng bằng cách khẳng định mục đích của thông báo là để đảm bảo mọi người có chuẩn bị trong trường hợp bị phong tỏa hoặc cách ly vì COVID-19.
Những nỗ lực trên không đủ để ngăn một số người tiêu dùng tích trữ bắp cải, gạo và bột. Giá hợp đồng tương lai dầu ăn nội địa và dầu cọ Malaysia cũng bị đẩy lên cao. Cảnh tượng tại một số siêu thị cho thấy người dân xếp hàng dài để mua hàng, tờ South China Morning Post (SCMP) cho biết.
Vì sao an ninh lương thực của Trung Quốc lại quan trọng?
Trung Quốc cần cung cấp thức ăn cho 1,4 tỷ người, khoảng 1/5 dân số thế giới. Ký ức về nạn đói làm hàng triệu người chết trong giai đoạn 1958-1962 vẫn còn khắc sâu trong tâm trí của thế hệ lớn tuổi.
Trong thế giới hậu COVID-19 hỗn loạn, đảm bảo an ninh thực phẩm ngày càng trở thành ưu tiên chính trị quan trọng đối với chiến lược phát triển mới của Bắc Kinh, đó là dựa nhiều hơn vào tiêu dùng trong nước để bù trù những bất ổn bên ngoài.
Chủ tịch Tập Cận Bình đã nói rằng chén cơm của Trung Quốc phải nằm chắc trong tay người Trung Quốc, nghĩa là nước này phải đảm bảo an toàn tuyệt đối trong việc cung ứng ngũ cốc.
Trung Quốc làm gì để đảm bảo an ninh lương thực?
Trung Quốc thành lập các kho dự trữ ngũ cốc quốc gia vào năm 1990. Đến nay, nước này đã xây dựng hệ thống "điều phối kho dự trữ của nhà nước trung ương với kho địa phương, đồng thời bổ sung lượng tồn kho của chính phủ và doanh nghiệp với nhau".
Trung Quốc đặt ra cơ chế trách nhiệm giải trình kết hợp với tiêu chí đánh giá chi tiết vào năm 2015, yêu cầu mọi chủ tịch cấp tỉnh chịu trách nhiệm hoàn toàn về an ninh lương thực của địa phương.
Nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên đất đai, Bắc Kinh đặt ra giới hạn tối thiểu của đất canh tác toàn quốc là 120 triệu ha.
Chính phủ cũng đặt mục tiêu đạt 71,7 triệu ha "đất nông nghiệp tiêu chuẩn cao" vào năm 2025 và 80 triệu ha vào năm 2030. Số đất này sẽ được sử dụng cho canh tác cơ giới quy mô lớn nhằm tăng năng suất cây trồng.
Lần đầu tiên trong lịch sử, các nhà hoạch định chính sách đặt mục tiêu bắt buộc cho sản lượng ngũ cốc trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 công bố tháng 3 năm nay.
Trong khi đó, Trung Quốc đã tăng cường nhập khẩu đậu nành và ngô để đảm bảo tự cung tự cấp các loại ngũ cốc chủ yếu, bao gồm lúa mì và gạo.
Sau làn sóng mua sắm hoảng loạn đầu tháng 11, ông Qin Yuyun, viên chức tại Cục Dự trữ Thực phẩm và Chiến lược Quốc gia Trung Quốc cho biết tổng dự trữ ngũ cốc hiện đã đủ, dự trữ lúa mì và gạo tiếp tục tăng.
Ông nói rằng dự trữ ngũ cốc hiện tại của Trung Quốc ở mức cao trong lịch sử, dự trữ lúa mì đủ để đáp ứng nhu cầu trong 18 tháng.
Trung Quốc có phụ thuộc vào nhập khẩu lương thực không?
"Nhập khẩu vừa phải" là một phần trong chiến lược chính thức của Trung Quốc về an ninh lương thực, theo sách trắng chính phủ ban hành năm 2019.
Ông Cheng Guoqiang, thành viên Ủy ban Cố vấn Chuyên gia Chính sách An ninh Lương thực Quốc gia Trung Quốc cho biết nước này phải nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu vì sự thiếu hụt diện tích đất trồng trong nước lên tới 90 triệu ha.
Tuy phải trả giá là phụ thuộc vào đậu nành nước ngoài, Trung Quốc lại đảm bảo có đủ đất cho việc tự cung tự cấp sản xuất lúa và lúa mì, hai loại cây trồng chủ lực.
Trung Quốc là nước nhập khẩu lương thực lớn nhất thế giới. Kể từ 2014, nhập khẩu ngũ cốc của nước này luôn trên 100 triệu tấn. Trung Quốc nhập 128 triệu tấn ngũ cốc trong 9 tháng đầu năm 2021, tăng 29% so với một năm trước. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn là nước xuất khẩu gạo ròng, tức là xuất khẩu nhiều hơn nhập khẩu.
Trung Quốc giải quyết được khủng hoảng thịt heo chưa?
Trong tháng 8 và 9/2021, giá thực phẩm Trung Quốc lần lượt giảm 4,1% và 5,2% so với cùng kỳ năm trước. Lý do chủ yếu là giá thịt heo giảm 47% so với một năm trước trong tháng 9.
Ngành chăn nuôi khổng lồ của Trung Quốc đang phải vật lộn với sản lượng dư thừa sau khi hàng triệu người chăn nuôi nhỏ tham gia vào ngành này hòng kiếm lời từ thời kỳ khan hiếm vì dịch tả heo châu Phi. Giá bán ra hiện thấp hơn cả giá sản xuất, chính phủ kêu gọi các hộ chăn nuôi tiêu hủy đàn.
Ông Chen Guanghua, quan chức tại Bộ Nông nghiệp và Nông thôn, Trung Quốc kêu gọi người dân ăn thịt nhiều hơn để giúp đỡ người chăn nuôi. Tại cuộc họp báo hôm 4/11, ông nói:
"Hiện số lượng heo nái có khả năng sinh sản tại Trung Quốc vẫn cao hơn 6% so với bình thường, và phải đến năm sau mới quay trở lại mức hợp lý. Hy vọng rằng mọi người sẽ mua và ăn nhiều thịt heo hơn. Điều này không chỉ giúp mọi người nâng cao dinh dưỡng mà còn giảm bớt khó khăn cho người chăn nuôi".