|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

'Cha mẹ nghèo không thể nuôi con giàu': Động lực đằng sau cuộc cải tổ kinh tế của ông Tập

14:56 | 17/11/2021
Chia sẻ
Con cái của các gia đình nghèo ở Trung Quốc ngày càng khó vươn lên trong cuộc sống. Bắc Kinh lo ngại sự bất mãn sẽ gây hại cho ổn định xã hội và chính trị.
'Cha mẹ nghèo không thể nuôi con giàu': Động lực đằng sau công cuộc cải tổ kinh tế của ông Tập - Ảnh 1.

Một người bán hàng rong đợi khách trong ngày cuối cùng của kỳ nghỉ "Tuần lễ vàng" ở Bắc Kinh tháng trước. (Ảnh: Shutterstock).

Sự trỗi dậy phi thường của kinh tế Trung Quốc đã gieo mầm cho niềm tin rằng bất cứ ai cũng có thể thành công nếu chăm chỉ - một trụ cột quan trọng trong "Giấc mộng Trung Quốc" của ông Tập.

Nhưng ngày càng nhiều người Trung Quốc đánh mất lòng tin này.

Dữ liệu và nghiên cứu học thuật cho thấy rằng khi nền kinh tế Trung Quốc phát triển, ngày càng nhiều cơ hội tốt nhất được được tích lũy cho con cái của giới tinh hoa chính trị và nhà giàu. Con cái của các gia đình nghèo hơn hay ở nông thôn ngày càng khó thăng tiến trong cuộc sống.

Các học giả từ Đại học Quốc gia Singapore và Đại học Trung Quốc Hong Kong phát hiện rằng những đứa trẻ sinh ra trong gia đình ở tầng lớp dưới cùng của xã hội Trung Quốc trong những năm 1980 ít có khả năng thăng tiến hơn những đứa trẻ sinh ra trong thập niên 1970. Họ gọi đây là "bẫy nghèo giữa các thế hệ ngày càng nới rộng".

Với sự dịch chuyển xã hội suy giảm, bất bình đẳng ngày càng gia tăng. Năm 1978, nhóm 10% thu nhập cao nhất của Trung Quốc và đáy 50% đều được hưởng 25% tổng thu nhập quốc gia. Đến 2018, nhóm 10% hàng đầu chiếm 40% tổng thu nhập, còn đáy 50% chỉ có chưa đến 15%, theo dữ liệu của World Bank.

'Cha mẹ nghèo không thể nuôi con giàu': Động lực đằng sau công cuộc cải tổ kinh tế của ông Tập - Ảnh 2.

Đại dịch đã nới rộng khoảng cách kinh tế của Trung Quốc. Theo công ty nghiên cứu Hurun Report, Trung Quốc tạo ra hơn 1.000 tỷ phú mới năm ngoái, vượt qua cả Mỹ.

Cũng trong năm ngoái, Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết hơn 600 triệu người Trung Quốc – tương đương 40% dân số - sinh sống với thu nhập trung bình hàng tháng dưới 140 USD. Con số này thấp hơn 40 USD so với chi tiêu trung bình hàng tháng của những người sống ở nông thôn Trung Quốc.

Theo Wall Street Journal (WSJ), có vẻ lo ngại về hiện tượng trên là yếu tố thúc đẩy nhiều ưu tiên của ông Tập, bao gồm: Cuộc chiến chống nghèo ở vùng nông thôn, trấn áp các gã khổng lồ công nghệ bị cho là bóc lột nhân công bằng lịch làm việc 996, mạnh tay can thiệp thị trường bất động sản để bình ổn giá, cải tổ ngành gia sư trực tuyến vì Bắc Kinh muốn khắc phục tình trạng bất bình đẳng cơ hội giáo dục.

Ông Robin Xing, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Morgan Stanley nhận xét: "Trung Quốc đã chuyển ưu tiên chính sách sang tái cân bằng lợi ích kinh tế cho người lao động và công chúng".

Thu nhập và chất lượng cuộc sống ở Trung Quốc nhìn chung đã gia tăng. Tuy nhiên suy giảm dịch chuyển xã hội là vấn đề đặc biệt đáng ngại với Bắc Kinh, vì các nhà lãnh đạo sợ rằng hiện tượng này có thể đe dọa ổn định xã hội và chính trị.

Vỡ mộng là cảm giác ngày càng nhiều người trẻ Trung Quốc nếm trải. Họ ngày càng lên tiếng về khả năng thăng tiến hạn chế và giờ làm việc dài.

Anh Long Lin 23 tuổi, sinh ra và lớn lên ở tây nam Quý Châu, một trong những vùng nghèo nhất Trung Quốc, chia sẻ: "Tôi ngày càng bi quan về tương lai".

Là người đầu tiên trong gia đình học đại học, giờ anh Lin kiếm được 1.080 USD/tháng ở thành phố ven biển Ninh Ba, làm việc cho một công ty kiểm soát chất lượng. Theo anh, mức lương này kém xa số tiền cần thiết để mua nhà và cưới vợ.

"Bố mẹ đã rất vất vả để có thể cho tôi học đại học. Nhưng giờ tôi cảm thấy việc tiến lên nấc thang xã hội gần như là bất khả thi", anh Long nói.

'Cha mẹ nghèo không thể nuôi con giàu': Động lực đằng sau công cuộc cải tổ kinh tế của ông Tập - Ảnh 3.

Một khu nhà ở Bắc Kinh. Giá cho một căn hộ nhỏ hai phòng ngủ ở thành phố này thường trên 900.000 USD, một thanh niên Trung Quốc cho biết. (Ảnh: Shutterstock).

Sau cải cách kinh tế cuối thập niên 1970, ban đầu nhiều lợi ích đến với người nghèo. Lao động di cư từ nông thôn lên thành phố, kiếm được nhiều tiền hơn và có phần trong sự bùng nổ của kinh tế Trung Quốc. Những câu chuyện tay trắng làm giàu dần phổ biến.

Nhưng khi kinh tế Trung Quốc lên đỉnh và giảm tốc, các học giả nói rằng lợi ích từ việc mở cửa đã chảy về những người có nhiều quan hệ. Khu vực tư nhân mới nổi cho phép giới tinh hoa công chức tích lũy tài sản thông qua ảnh hưởng chính trị và mạng xã hội. Nhiều quan chức chính phủ Trung Quốc trở thành doanh nhân.

Sự trỗi dậy của ngành công nghệ đã đem lại hàng chục tỷ USD cho những doanh nhân như Jack Ma và cổ đông, đồng thời tạo ra hàng triệu việc làm. Nhưng giờ đây nhân viên cấp thấp than rằng họ thường phải làm từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày mỗi tuần mà chẳng có mấy cơ hội làm giàu. Bất bình về sự giàu có của các trùm công nghệ ngày càng gia tăng.

Ít nhất hai yếu tố lớn khác khiến cho tâm lý bất mãn nung nấu trong lòng xã hội Trung Quốc: Nhà đất và giáo dục.

Giá bất động sản phi mã kể từ khi Trung Quốc cho phép sở hữu tư nhân đã tạo ra nguồn tài sản khổng lồ cho những người mua nhà sớm, từ đó giúp họ tiếp tục mua thêm.

Mặc dù Trung Quốc là một trong những nước có tỷ lệ sở hữu nhà cao nhất trên thế giới – hơn 90%, nhưng những người mua sau — bao gồm các gia đình trẻ — cảm thấy không thể kham nổi.

'Cha mẹ nghèo không thể nuôi con giàu': Động lực đằng sau công cuộc cải tổ kinh tế của ông Tập - Ảnh 4.

Chênh lệch về cơ hội giáo dục cũng là một vấn đề nhức nhối. Các gia đình bình thường ở một số thành phố hàng đầu chi 25% thu nhập để cho con học thêm, theo AXA Investment Managers.

Học sinh nông thôn không có cơ hội như vậy. Khoảng 22% sinh viên trúng tuyển vào Đại học Thanh Hoa danh tiếng năm 1990 đến từ vùng nông thôn, nhưng đến năm 2016, tỷ lệ này chỉ còn 10,2%

Cô Luo Jiangyue, nhà nghiên cứu đại học sinh ra ở Trùng Khánh cho biết cô có cuộc sống tốt ở Thành Đô. Cậu con trai 5 tuổi của cô đang theo học tại một trường tiểu học công lập ở địa phương.

'Cha mẹ nghèo không thể nuôi con giàu': Động lực đằng sau công cuộc cải tổ kinh tế của ông Tập - Ảnh 5.

Hội chợ việc làm ở Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh. (Ảnh: Tân Hoa Xã).

Cô Luo không có thời gian hay tiền bạc để đầu tư thêm nhiều cho việc học của con, và sợ rằng điều này sẽ khiến cậu thụt lùi so với những đứa trẻ nhà giàu.

"Niềm tin của tôi vào chế độ tài đức (người tài chắc chắn được trọng dụng) phai nhạt mỗi ngày khi chứng kiến những người giàu hơn dành rất nhiều nguồn lực cho thế hệ tiếp theo".

Giới lãnh đạo Trung Quốc đã phản ứng bằng loạt chính sách có phần hà khắc nhằm giải quyết các mối quan ngại của người dân về nhà đất và giáo dục.

Quan chức còn thúc đẩy những ý tưởng khác, bao gồm dự án thí điểm ở tỉnh Chiết Giang nhằm thu hẹp khoảng cách giàu nghèo bằng cách điều chỉnh "thu nhập cao quá mức", trấn áp các khoản thu lợi bất hợp pháp và khuyến khích từ thiện.

Cô Luo vẫn chưa hết lo ngại. Bạn bè của cô thường lặp lại câu nói phổ biến: "Nhà nghèo khó có thể nuôi dưỡng những đứa con giàu có".

Giang