Bắc Kinh hợp lực gửi thông điệp trấn an thị trường sau khi Evergrande vỡ nợ
Phối hợp trấn an thị trường
Hãng tin Bloomberg nhận thấy, ngay trước, trong và sau khi Evergrande bị tuyên bố vỡ nợ, một loạt cơ quan và lãnh đạo hàng đầu chính phủ Trung Quốc đã đưa ra tuyên bố trấn an thị trường toàn cầu.
Một số cái tên chủ chốt bao gồm Ủy ban Quản lý Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc (CBIRC) và Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) Dịch Cương. Thông điệp mà Bắc Kinh muốn lan tỏa rất rõ ràng: Trung Quốc sẽ không giải cứu "bom nợ" Evergrande nhưng rủi ro đã được kiểm soát.
Cụ thể, đầu tháng 12, CBIRC cho biết đã biết vụ vỡ nợ của Evergrande và tin tưởng các cơ quan quản lý có thẩm quyền sẽ xử lý vụ việc một cách công bằng, dựa trên luật pháp Trung Quốc.
"Hiện tại, các khoản nợ trái phiếu của Evergrande chiếm khoảng 1/3 tổng nợ phải trả của tập đoàn này, với cơ cấu chủ nợ khá đa dạng. Tuy nhiên, tổng đầu tư của Evergrande vào các tổ chức tài chính trong nước là rất hạn chế.
Do đó, vấn đề Evergrande vỡ nợ sẽ không tác động tiêu cực đến hoạt động an toàn và lành mạnh của ngành ngân hàng - bảo hiểm Trung Quốc", CBIRC nhấn mạnh trong tuyên bố.
Ngoài ra, CBIRC cho biết chính quyền tỉnh Quảng Đông, chính quyền các địa phương và cơ quan liên quan khác đang hướng dẫn và đôn đốc Evergrande giải quyết rủi ro nợ nần, đồng thời chủ động hoàn thiện các dự án nhà ở để bàn giao cho người mua nhà.
Ở diễn biến khác, Thống đốc Dịch Cương của ngân hàng trung ương Trung Quốc PBoC nhấn mạnh việc Evergrande không thể đáp ứng các nghĩa vụ nợ chỉ là một sự kiện trên thị trường tài chính và sẽ được giải quyết theo định hướng thị trường.
Trong video được ghi hình từ trước cho một hội thảo cấp cao về vai trò của trung tâm tài chính Hong Kong trong tương lai, ông Dịch nhấn mạnh: "Quyền và lợi ích của các chủ nợ cũng như cổ đông của Evergrande sẽ được thực thi theo pháp luật Trung Quốc".
Ngay sau khi video của Thống đốc PBoC lên sóng, hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings tuyên bố Evergrande không thể thanh toán hai khoản lãi trái phiếu quốc tế tổng trị giá 82 triệu USD dù đã được ân hạn 30 ngày.
Do đó, tập đoàn bất động sản nặng nợ nhất thế giới bị Fitch coi là đang trong tình trạng "vỡ nợ hạn chế", tức là không thể trả được nợ nhưng chưa làm bất kỳ thủ tục gì để tuyên bố phá sản, thanh lý tài sản hoặc các thủ tục khác để dừng hoạt động.
Các trái phiếu quốc tế trên không có bảo đảm và chủ nợ không có quyền đòi tiền từ giá trị thanh lý tài sản tại Trung Quốc. Cho nên, trái phiếu quốc tế sẽ chỉ đứng ngay trên cổ phiếu trong thứ tự nhận thanh toán sau phá sản.
Hôm 10/12, Evergrande ra thông báo cho biết tập đoàn này đang "tích cực trao đổi" với các chủ nợ nước ngoài về việc tái cơ cấu nợ nhưng không đề cập đến việc bị Fitch tuyên bố đã vỡ nợ.
Cùng ngày, PBoC lần nữa khẳng định rủi ro mà cuộc khủng hoảng nợ nần của Evergrande gây ra cho nền kinh tế tỷ dân có thể kiểm soát được. Theo ngân hàng trung ương Trung Quốc, "sự quản lý yếu kém" và "mở rộng liều lĩnh" của Evergrande là nguyên nhân dẫn đến bê bối của tập đoàn nặng nợ này.
Tóm lại, Bloomberg cho rằng loạt động thái phối hợp trấn an thị trường toàn cầu của các cơ quan quản lý Trung Quốc là khá bất thường và hiếm gặp. Hiện tại, các trái chủ quốc tế của Evergrande và giới đầu tư nước ngoài vẫn đang theo sát diễn biến của vụ việc này.
Cuộc khủng hoảng nợ của Evergrandecũng là vấn đề chung của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới: vay nợ quá đà. Evergrande sẽ trở thành vụ phá sản lớn nhất Trung Quốc từ trước đến nay với tổng nợ phải trả lên tới hơn 300 tỷ USD.