Việc Evergrande tái cơ cấu nợ đẩy gánh nặng kiềm chế khủng hoảng lên ông Tập
Một câu hỏi lớn đã lơ lửng trên đầu Evergrande trong suốt vài tháng qua: Liệu nhà phát triển bất động sản nặng nợ nhất thế giới này có phải quá lớn để sụp đổ?
Nhà đầu tư cuối cùng đã có câu trả lời. Tuần này, Evergrande và Bắc Kinh đã làm rõ rằng tập đoàn bất động sản của tỷ phú Hui Ka Yan đang hướng đến một trong những cuộc tái cơ cấu nợ lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc.
Các nhà đầu tư nắm giữ 19,2 tỷ USD trái phiếu của Evergrande sẽ phải chấp nhận tổn thất nặng khi tập đoàn cải tổ lại bảng cân đối kế toán khổng lồ mà không có giải cứu từ chính phủ. Quá trình này hứa hẹn sẽ kéo dài, gây tranh cãi và tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với nền kinh tế lớn nhất châu Á.
Tuy các công ty xếp hạng chưa thông báo Evergrande chính thức vỡ nợ, nhưng những người nắm giữ hai trái phiếu do tập đoàn phát hành cho biết đã quá thời gian ân hạn nợ mà họ vẫn chưa nhận được tiền. Hôm 7/12, S&P Global Ratings nhận xét cuộc vỡ nợ của Evergrande là "không thể tránh khỏi".
Diễn biến trên đánh dấu sự khởi đầu của cái kết cho tập đoàn bất động sản lớn nhất nhì Trung Quốc, châm ngòi cho cuộc chiến dai dẳng giữa các chủ nợ nhằm thu hồi những gì còn sót lại từ Evergrande.
Evergrande, với khối nợ hơn 300 tỷ USD, là nạn nhân lớn nhất trong chiến dịch siết chặt quản lý ngành bất động sản và tình trạng đầu cơ nhà đất của Chủ tịch Tập Cận Bình. Sự ngần ngại của Bắc Kinh trong việc giải cứu nhà phát triển bất động sản này phát đi tín hiệu rõ ràng rằng chính phủ Trung Quốc sẽ không dung thứ cho những khoản nợ chồng chất khổng lồ đe dọa ổn định tài chính.
Câu hỏi quan trọng hiện nay là liệu Bắc Kinh có thể kiềm chế dư chấn không. Ngay sau khi có tin về Evergrande, cổ phiếu và trái phiếu của các công ty bất động sản nhỏ, xếp hạng thấp hơn đã cắm đầu rơi thẳng đứng. Ít nhất 10 công ty đã vỡ nợ trái phiếu quốc tế hoặc nội địa kể từ khi lo ngại về sức khỏe tài chính của Evergrande dâng cao từ tháng 6, Bloomberg cho biết.
Lợi suất trái phiếu rác bằng đồng USD của doanh nghiệp Trung Quốc đã vọt lên trên 20%, khiến chi phí vay của các doanh nghiệp túng tiền trở nên cực kỳ đắt đỏ. Giá và doanh số bán nhà lao dốc, tạo ra lực cản mới cho nền kinh tế đang vật lộn với tăng trưởng giảm tốc.
Bà Cathie Wood, CEO Ark Investment Management nhận xét: "Trung Quốc đang đùa với lửa".
Hiện thời, giới chức trách Trung Quốc báo hiệu sẽ khoanh vùng chấn động của Evergrande và kiềm chế sự lây lan thay vì tổ chức một cuộc giải cứu như những gì đã làm trong quá khứ.
Cuối tuần trước, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) lặp lại rằng rủi ro tới nền kinh tế do khủng hoảng nợ của Evergrande gây ra có thể được kiềm chế. Ngân hàng cho rằng chính Evergrande đã tự tạo ra rắc rối cho mình với "cách quản lý yếu kém" và "mở rộng liều lĩnh".
Động thái hỗ trợ hệ thống tài chính mới nhất đến vào ngày 6/12, khi PBoC giải phóng khoảng 188 tỷ USD thanh khoản thông qua việc cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho hầu hết ngân hàng. Chính phủ Trung Quốc cam kết hỗ trợ thị trường nhà ở để đáp ứng các nhu cầu "hợp lý", thêm dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh sẽ nới lỏng các hạn chế bất động sản.
Cho đến nay, các nỗ lực của Trung Quốc vẫn chưa trấn an được nhà đầu tư.
Bà Jenny Zeng, trưởng bộ phận chứng khoán thu nhập cố định khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại Alliance Bernstein cho biết: "Thị trường đang trải qua căng thẳng cực độ", với một nửa nhà phát triển bất động sản Trung Quốc chìm sâu trong khó khăn tài chính và bị đánh giá là có rủi ro vỡ nợ cao.
Tổng cộng, doanh nghiệp Trung Quốc đã vỡ nợ kỷ lục 10,2 tỷ USD trái phiếu quốc tế trong năm nay, với 36% trong số đó đến từ các công ty bất động sản.
Trung Quốc cũng đang cố gắng hạn chế tác động từ sự sụp đổ của Evergrande lên thị trường nhà ở. Bất động sản chiếm khoảng 25% sản lượng kinh tế và 75% của cải hộ gia đình.
Sự suy yếu của thị trường nhà đất Trung Quốc đã xấu đi trong những tháng gần đây sau khi doanh số và giá bán nhà lần đầu tiên đi xuống trong vòng 6 năm. Trong tháng 11, doanh số theo hợp đồng của top 100 nhà phát triển bất động sản Trung Quốc rớt 38% so với năm ngoái xuống 751 tỷ nhân dân tệ, theo số liệu từ China Real Estate Information.
Sự sụt giảm trong thị trường bất động sản của Trung Quốc có thể gây ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế nước này và tăng trưởng toàn cầu. Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã cảnh báo rằng bất ổn trong lĩnh vực bất động sản Trung Quốc có thể lây lan sang Mỹ. Ngành bất động sản Trung Quốc chiếm gần một nửa trái phiếu USD có nguy cơ vỡ nợ trên thế giới.
CEO Wood của Ark Investment phát biểu trong Hội nghị Toàn cầu Milken: "Hãy nghĩ về rủi ro chu kỳ đến thế giới nếu kinh tế Trung Quốc sụp đổ. Trung Quốc đã đóng góp lớn cho tăng trưởng theo chu kỳ trong thời gian qua".
Chính phủ Trung Quốc không chỉ đứng yên và để mặc tình hình. Hôm 6/12, ông Tập đã chủ trì cuộc họp của Bộ Chính trị, ra tín hiệu sẽ nới lỏng các hạn chế lên lĩnh vực bất động sản. Các nhà lãnh đạo cũng cam kết ổn định kinh tế trong năm 2022.
Đối với các trái chủ quốc tế, sự vỡ nợ của Evergrande nhiều khả năng sẽ mở màn cho cuộc chiến thu hồi nợ dai dẳng. Giới chức Trung Quốc đã ra tín hiệu rõ rằng tập đoàn nên ưu tiên cho người mua nhà, nhà cung cấp, người mua các sản phẩm quản lý tài sản trước chủ nợ. Khoảng 1,6 triệu người mua đã đặt cọc cho những bất động sản chưa được hoàn thiện của Evergrande.
Trái phiếu USD Evergrande được giao dịch với 20% mệnh giá, tương ứng với việc nhà đầu tư nhận định số trái phiếu này sẽ mất khoảng 80% giá trị.
Ông Jim Veneau, trưởng bộ phận chứng khoán thu nhập cố định châu Á tại AXA SA, cho biết phản ứng của thị trường đối với các khoản thanh toán lỡ hạn của Evergrande có thể được thúc đẩy bởi diễn biến của quá trình tái cấu trúc.
"Một cuộc tái cơ cấu nợ có trật tự cho phép tập đoàn hoạt động bình thường nhất có thể và tránh phải bán tháo tài sản sẽ giúp hạn chế đáng kể thiệt hại lên toàn ngành", ông Veneau nói.