|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là gì?

11:22 | 19/11/2019
Chia sẻ
Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (tiếng Anh: Contracts for The International Sale of Goods) là hợp đồng mua bán hàng hóa được bổ sung thêm yếu tố quốc tế.
tumblr_pc0k93LfiO1tmdr5bo1_1280

Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (Contracts for The International Sale of Goods) (Nguồn: Saracens)

Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (Contracts for The International Sale of Goods)

Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế - danh từ, trong tiếng Anh được dùng bởi cụm từ Contracts for The International Sale of Goods.

Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là hợp đồng mua bán hàng hóa trong đó các bên kí kết có trụ sở thương mại ở các nước khác nhau, hàng hóa được chuyển từ nước này sang nước khác, hoặc việc trao đổi ý chí kí kết hợp đồng giữa các bên kí kết được thiết lập ở các nước khác nhau. (Theo Công ước La Haye 1964 của Liên Hiệp Quốc)

Luật điều chỉnh hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế 

Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là một hình thức pháp lí của quan hệ thương mại quốc tế. Vì vậy, việc sử dụng pháp luật để điều chỉnh loại hợp đồng này tương đối phức tạp. 

Tùy từng trường hợp cụ thể, hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế có thể được điều chỉnh bởi các nguồn luật sau:

Điều ước quốc tế

Điều ước quốc tế là một hình thức chứa đựng các qui phạm pháp quốc tế. Đó là cam kết của các quốc gia đối với nhau trong các lĩnh vực nhất định. Công ước Viên năm 1969 về Luật Điều ước quốc tế định nghĩa như sau: "Điều ước quốc tế là tất cả các văn bản được kí kết giữa các quốc gia và do Luật quốc tế điều chỉnh".

Như vậy, có thể định nghĩa điều ước quốc tế về thương mại là sự thỏa thuận bằng văn bản giữa hai hoặc nhiều quốc gia kí kết phù hợp với những nguyên tắc cơ bản của Luật quốc tế, nhằm ấn định, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ đối với nhau trong quan hệ thương mại quốc tế.

Tập quán thương mại quốc tế 

Các tập quán được hình thành lâu đời trong các quan hệ thương mại quốc tế, khi được các chủ thể kí kết hợp đồng mua bán quốc tế chấp nhận sẽ trở thành nguồn luật điều chỉnh đối với các hợp đồng giữa các chủ thể đó với nhau. 

Các tập quán thương mại, khi được dẫn chiết vào hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, sẽ có hiệu lực bắt buộc áp dụng đối với các chủ thể kí kết. Một tập quán thông dụng trong buôn bán quốc tế được Phòng thương mại quốc tế ICC tổng kết, soạn thảo và ban hành là Incoterms.

Tiền lệ pháp (án lệ) về thương mại

Các qui tắc pháp luật hình thành từ thực tiễn xét xử của tòa án được gọi là tiền lệ pháp. Trong lĩnh vực thương mại quốc tế, việc công nhận và sử dụng các phán quyết của tòa án cũng như thừa nhận vai trò tích cực của các án lệ đang có xu hướng gia tăng tại các nước có hệ thống pháp luật khác nhau.

Luật quốc gia

Trong thực tiễn kí kết và thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, bên cạnh các điều ước quốc tế, tập quán thương mại quốc tế và án lệ, luật quốc gia có vai trò quan trọng và trong nhiều trường hợp là nguồn luật điều chỉnh các quan hệ hợp đồng. (Theo Giáo trình Luật thương mại Quốc tế, NXB Lao động Xã hội)


Khai Hoan Chu