Hợp đồng mua bán điện (Power Purchase Agreement - PPA) là gì?
Hợp đồng mua bán điện
Khái niệm
Hợp đồng mua bán điện trong tiếng Anh là Power Purchase Agreement, viết tắt là PPA.
Hợp đồng mua bán điện (PPA) đề cập đến một hợp đồng cung cấp điện lâu dài giữa một công ty tư nhân sản xuất điện và khách hàng (thường là một cơ quan chính phủ hoặc người tiêu dùng điện cá nhân).
Tại Việt Nam, căn cứ theo qui định tại qui định vận hành thị trường phát điện cạnh tranh do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành, có hiệu lực từ 15/11/2018, qui định hợp đồng mua bán điện như sau:
"Hợp đồng mua bán điện là văn bản thỏa thuận mua bán điện giữa Đơn vị mua buôn duy nhất và các đơn vị phát điện hoặc mua bán điện với nước ngoài."
Một số nội dung về PPA
PPA xác định các điều kiện của hợp đồng, chẳng hạn như lượng điện được cung cấp, giá thỏa thuận, giải thích các điều khoản hoặc các hình phạt cho việc không tuân thủ hợp đồng. Vì là thỏa thuận song phương, PPA có thể có nhiều hình thức và thường được điều chỉnh theo từng trường hợp cụ thể.
PPA thường thay thế cho thỏa thuận BOT hoặc thỏa thuận nhượng quyền, ngoài các nghĩa vụ liên quan đến bán và mua điện được tạo ra, PPA còn đưa ra các yêu cầu thiết kế và đầu ra cũng như thông số kĩ thuật vận hành và bảo trì cho nhà máy điện. Bên sản xuất điện đồng ý cung cấp cho bên mua điện với lượng điện theo hợp đồng PPA.
PPA là một ví dụ về quyền sở hữu của "bên thứ ba". Cơ quan chính phủ trở thành khách hàng duy nhất của công ty sản xuất điện tư nhân, nhưng thường có một nhà đầu tư riêng đóng vai trò như một chủ sở hữu hệ thống. Chủ sở hữu hệ thống này cung cấp vốn đầu tư cho dự án để đổi lại các lợi ích về thuế hoặc các lợi ích khác.
Bên thứ ba này có thể tăng cường khả năng tài chính của dự án và giúp người mua chống lại các rủi ro như giảm thuế hàng tháng của người mua. Tính linh hoạt này cũng có lợi thế là, do tính chất lâu dài của PPA, nếu thị trường bãi bỏ qui định vào một ngày nào sau đó thì PPA có thể không cần phải thay thế hoàn toàn.
PPA cũng cần phải được đảm bảo rằng các giai đoạn độc quyền không phải là trở ngại cho sự phát triển hoặc cho việc bãi bỏ các qui định của thị trường điện trong tương lai.
PPA có thể đưa ra các biện pháp trừng phạt hoặc yêu cầu nhà sản xuất điện phải bồi thường thiệt hại nếu nhà sản xuất điện không cung cấp điện như đã hứa; đặc biệt, nếu việc xây dựng dự án không hoàn thành đúng tiến độ hoặc không thực hiện theo yêu cầu khi hoàn thành. Người cho vay sẽ lo ngại về việc đảm bảo rằng các thiệt hại được thanh lí không có tác động quá lớn đến hệ số năng lực trả nợ.
Nhà sản xuất điện thường không phải bồi thường thiệt hại cho sự chậm trễ do các sự kiện nằm ngoài sự kiểm soát của mình như các trường hợp bất khả kháng hoặc khi người mua vi phạm hợp đồng.
Khi nào nên sử dụng PPA?
Hợp đồng mua bán điện (PPA) được sử dụng cho các dự án điện trong đó:
- Doanh thu dự kiến của một dự án không có sự chắc chắn và do đó, những đảm bảo về số lượng đã mua và giá phải trả sẽ được yêu cầu để làm cho dự án trở nên khả thi;
- Xảy ra khả năng cạnh tranh từ nguồn cạnh tranh trong nước hoặc quốc tế được trợ cấp hoặc có giá rẻ hơn (ví dụ, một nhà máy điện lân cận đang sản xuất điện rẻ hơn) - PPA cung cấp sự chắc chắn về việc được bảo vệ khỏi sự cạnh tranh đó;
- Có một hoặc một vài khách hàng lớn sẽ mua một lượng lớn sản phẩm. Ví dụ, một ngành phục vụ của Chính phủ có thể mua một lượng điện lớn do nhà máy điện sản xuất. Chính phủ muốn biết họ sẽ phải trả bao nhiêu cho số năng lượng đó và trở thành đơn vị đầu tiên sử dụng điện. Công ty sản xuất sẽ muốn đảm bảo doanh thu từ đối tượng khách hàng lớn này.
- Người mua muốn đảm bảo an ninh nguồn cung.
(Theo World Bank)