|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Hoàn giá (Counteroffer) trong kinh doanh là gì? Đặc điểm

11:34 | 14/04/2020
Chia sẻ
Hoàn giá (tiếng Anh: Counteroffer) là một đề nghị phản hồi lại đề nghị ban đầu. Khi một cá nhân đề nghị hoàn giá, điều đó có nghĩa là đề nghị ban đầu đã bị từ chối và được gợi ý bằng một đề nghị khác.
Hoàn giá (Counteroffer) là gì? Đặc điểm - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: ExcelHR.

Hoàn giá

Khái niệm

Hoàn giá tiếng Anh là Counteroffer.

Hoàn giá là một đề nghị phản hồi lại đề nghị ban đầu. Khi một cá nhân đề nghị hoàn giá, điều đó có nghĩa là đề nghị ban đầu đã bị từ chối và được gợi ý bằng một đề nghị khác. Người phản hồi hoàn giá đưa ra ba lựa chọn cho người đề nghị ban đầu: chấp nhận đề nghị hoàn giá của người phản hồi, từ chối hoặc đưa ra đề nghị khác.

Thông thường không có hợp đồng ràng buộc giữa các bên liên quan cho đến khi một người chấp nhận đề nghị của người kia. Hoàn giá phổ biến trong nhiều loại đàm phán, giao dịch kinh doanh và giao dịch riêng giữa hai cá nhân. Hoàn giá xuất hiện trong các giao dịch bất động sản, đàm phán việc làm và kinh doanh xe.

Đặc điểm của Hoàn giá

Khi hai bên cùng đàm phán một giao dịch hoặc thỏa thuận kinh doanh, một bên sẽ đưa ra lời đề nghị trước. Một đề nghị hoàn giá là một phản hồi cho lời đề nghị ban đầu đó, nó có thể thay đổi các điều khoản và giá cả của thoả thuận. Giá đưa ra có thể lớn hơn hoặc thấp hơn giá ban đầu, tùy thuộc vào việc bên nào đề nghị hoàn giá. Vì vậy, nếu một người không chấp nhận hoặc từ chối đề nghị ban đầu, người đó có thể quyết định đàm phán lại bằng cách đưa ra một đề nghị hoàn giá.

Lấy ví dụ như sau: Bà X quyết định bán ngôi nhà của mình trên thị trường với giá 300.000 USD. Tuy nhiên, ông Y đến xem nhà và mặc cả còn 285.000 USD. Đây là một đề nghị hoàn giá của ông Y. Bà X tiếp tục đề nghị mức giá 295.000 USD, đây là đề nghị hoàn giá của bà X. Ông Y có 3 sự lựa chọn: phải chấp nhận, từ chối hoặc đưa ra đề nghị hoàn giá tương ứng và tiếp tục đàm phán lại.

Các bên được phép đưa ra đề nghị hoàn giá nhiều lần trong quá trình đàm phán cho đến khi thoả thuận được thống nhất. Khi đàm phán qua lại, mỗi bên sẽ đưa ra đề nghị hoàn giá với mức giá có lợi hơn cho mình so với đề nghị trước đó.

Không bên nào có nghĩa vụ phải chấp nhận đề nghị của đối phương cho đến khi họ thống nhất được hợp đồng, điều này xảy ra khi một đề nghị hoàn giá được chấp nhận. Đó cũng là lúc hình thành một hợp đồng ràng buộc và có thể được thi hành đối với một trong hai bên. Đề nghị hoàn giá sẽ bác bỏ tính hiệu lực của đề nghị trước đó và người đưa ra lời đề nghị ban đầu không còn phải chịu trách nhiệm pháp lí đối với nó.

Một đề nghị hoàn giá có thể bao gồm các giải thích về các điều khoản của đề nghị trước đó hoặc yêu cầu thông tin bổ sung để làm rõ đề nghị trước đó. Một cuộc đàm phán hoàn tất khi cả người mua và người bán đều thống nhất và chấp nhận với các điều khoản cuối cùng mà không có bất kì điều kiện hoặc sửa đổi bổ sung nào.

Khi một bên đưa ra một đề nghị hoàn giá, bên đó thường đưa ra điều kiện. Khi người bán nhận được một lời đề nghị hoàn giá với mức giá thấp, người đó có thể phản đối bằng cách đưa ra một mức giá mà anh ta cảm thấy hợp lí. Người mua có thể chấp nhận đề nghị đó hoặc đàm phán lại. Người bán sau đó cũng có thể phản đối lời đề nghị của người mua cho đến khi hai bên cùng đạt đến thoả thuận. Người nhận được đề nghị hoàn giá không nhất thiết phải chấp nhận nó mà được đàm phán ngược lại.

Counteroffer trong doanh nghiệp


Đôi lúc, counteroffer còn được gọi là thư đối ứng, được sử dụng trong phạm vi doanh nghiệp khi một cá nhân nộp đơn xin nghỉ việc. Nếu cấp trên của người đó muốn giữ người đó lại làm việc, họ sẽ đưa ra một thư đối ứng, phản đối việc xin nghỉ việc của nhân viên đó và đưa ra những lời đề nghị khác nhằm thay đổi quyết định của người đó đó, ví dụ như đưa ra mức lương cao hơn, hoặc điều kiện làm việc tốt hơn.


Trong những năm gần đây, thư đối ứng đã trở nên ngày càng phổ biến. Mặc dù thư đối ứng có thể tương đối hấp dẫn, nhưng mọi nhân viên đều cần phải cẩn thận trước khi đưa ra quyết định có chấp nhận thư đối ứng đó hay không. Thay đổi nghề nghiệp là một quyết định khó khăn, vì bạn sẽ phải rời bỏ một công việc bạn đã quen thuộc, hoặc tạm biệt đồng nghiệp mà bạn đã làm việc cùng trong thời gian qua. Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn từ bỏ quyết định của mình.


(Theo Investopedia Monroe Consulting Group)

Hoàng Vy