Hoạch định công suất (Capacity planning) trong doanh nghiệp là gì?
Hình minh hoạ (Nguồn: saviom)
Hoạch định công suất trong doanh nghiệp
Khái niệm
Hoạch định công suất trong tiếng Anh được gọi là capacity planning.
Hoạch định công suất là quá trình xây dựng và lựa chọn công suất của doanh nghiệp, quá trình này bị chi phối bởi rất nhiều nhân tố khác nhau.
Nhân tố cần đánh giá
Khi tiến hành xây dựng công suất đòi hỏi doanh nghiệp phải phân tích và đánh giá đầy đủ các nhân tố sau:
- Nhu cầu sản phẩm/dịch vụ và đặc điểm tương ứng: Cơ sở quan trọng hàng đầu trong quyết định lựa chọn công suất là nhu cầu sản phẩm/dịch vụ trên thị trường.
Những vấn đề cơ bản cần phân tích là khối lượng sản phẩm/dịch vụ cần đáp ứng, thời điểm cần cung cấp. Nếu nhu cầu sản phẩm/dịch vụ là tương đối ổn định và đồng nhất sẽ tạo thuận lợi trong việc xây dựng và lựa chọn công suất.
Khi những chi tiết giống nhau thì khả năng của hệ thống để sản xuất những chi tiết này thường nhanh hơn nếu như những chi tiết thường uyên thay đổi.
Ngược lại, sản phẩm và dịch vụ càng đa dạng và thường xuyên thay đổi thì quyết định lựa chọn công suất sẽ khó khăn, phức tạp hơn.
- Đặc điểm và tính chất của công nghệ sử dụng: Sự phát triển của tiến bộ khoa học - công nghệ có tác động rất lớn tới công suất của các doanh nghiệp. Do đó, quyết định lựa chọn công suất phải dựa trên sự phân tích thận trọng, chi tiết đặc điểm của từng loại công nghệ sử dụng.
Các đặc điểm thường phân tích, đánh giá là trình độ, loại hình, tính chất và năng lực của công nghệ. Chúng có ảnh hưởng quyết định đến công suất của dây chuyền sản xuất và của doanh nghiệp.
Việc lựa chọn công suất phải tính đến xu hướng phát triển của công nghệ trong tương lai. Cũng cần chú ý rằng ngay những công nghệ quản lí mới cũng có ảnh hưởng lớn tới công suất của doanh nghiệp.
- Trình độ tay nghề và tổ chức của lực lượng lao động trong doanh nghiệp: Đây là một trong những nhân tố có ảnh hưởng lớn tới công suất của doanh nghiệp. Khả năng sản xuất phụ thuộc rất lớn vào trình độ chuyên môn, kĩ thuật và khả năng của người lao động.
Ngoài ra, ý thức và tinh thần tổ chức kỉ luật cũng là yếu tố ảnh hưởng tới công suất và cũng được coi là nguyên nhân gây lãng phí hoặc mang lại hiệu quả cho quản trị, sử dụng công suất của doanh nghiệp.
Nói rộng ra, có thể là năng suất của các nguồn lực sản xuất như lao động, nguyên vật liệu...
- Diện tích mặt bằng, nhà xưởng và bố trí kết cấu hạ tầng trong doanh nghiệp: Diện tích mặt bằng nhà xưởng là điều kiện quan trọng, trong nhiều trường hợp nó được xác định là giới hạn của quyết định lựa chọn công suất.
Ngoài khả năng diện tích sản xuất, hệ thống kho tàng bến bãi tập kết và giao nhận nguyên vật liệu, sản phẩm, công suất còn phụ thuộc vào trình độ thiết kế mặt bằng bố trí trang thiết bị, phương tiện, vật kiến trúc trong khu vực sản xuất.
Đây là những nhân tố có thể làm tăng khả năng sản xuất nếu có phương án bố trí hợp lí và ngược lại sẽ làm giảm khả năng sản xuất đi rất nhiều khi bố trí không phù hợp.
- Trình độ liên kết của doanh nghiệp: Nhân tố này thuộc về vấn đề là doanh nghiệp tự sản xuất hay thuê gia công ngoài.
Chẳng hạn một nhà sản xuất công nghiệp có thể thiết kế một quá trình sản xuất hoàn chỉnh từ gỗ nguyên liệu tự nhiên sẽ có công suất khác nếu như họ chỉ tập trung dây chuyền sản xuất từ gỗ đã xẻ hoặc thậm chí đã là bán thành phẩm. Tức là họ đi mua hay đi gia công ngoài chứ không tự tổ chức sản xuất.
- Hệ số sử dụng máy móc, thiết bị: Đây là nhân tố ảnh hưởng trực tiếp đến công suất của doanh nghiệp. Điều hiển nhiên là một hệ thống sản xuất được thiết kế vận hành 80 giờ/tuần sẽ có một năng lực sản xuất về lí thuyết gấp đôi so với khi nó chỉ hoạt động có 40 giờ/tuần.
- Các yếu tố bên ngoài khác: Ngoài những yếu tố bên trong như phân tích ở trên, việc lựa chọn công suất còn phải xem xét đến những yếu tố bên ngoài như những tiêu chuẩn, qui định về sản phẩm, những qui định của chính phủ về thời gian lao động, nguyên tắc an toàn lao động, tình hình thị trường và mức độ cạnh tranh...
(Tài liệu tham khảo: Quản trị tác nghiệp, Trung tâm đào tạo từ xa, ĐH Kinh tế Quốc dân)