Hiệu ứng nhóm khách hàng (Clientele Effect) là gì?
Hình minh họa
Hiệu ứng nhóm khách hàng
Khái niệm
Hiệu ứng nhóm khách hàng trong tiếng Anh là Clientele Effect.
Hiệu ứng nhóm khách hàng giải thích sự biến động giá cổ phiếu của một công ty theo nhu cầu và mục tiêu của các nhà đầu tư. Những nhu cầu này của nhà đầu tư tùy thuộc vào thuế, cổ tức hoặc sự thay đổi của các chính sách khác có ảnh hưởng đến cổ phiếu.
Hiệu ứng nhóm khách hàng giả định rằng một số nhà đầu tư ban đầu bị thu hút bởi các chính sách của công ty và khi chính sách đó thay đổi, họ sẽ điều chỉnh tỉ lệ nắm giữ cổ phiếu của mình cho phù hợp. Do sự điều chỉnh này, giá cổ phiếu có thể dao động.
Cách tốt nhất để giải thích hiệu ứng nhóm khách hàng là mô tả cách hiện tượng này kích hoạt phản ứng của các nhà đầu tư. Cổ phiếu của các công ty đại chúng thường được phân loại là cổ phiếu trả cổ tức, cổ phiếu tăng trưởng cao, cổ phiếu blue-chip hoặc cổ phiếu trưởng thành.
Mỗi loại cổ phiếu trên có liên quan đến một giai đoạn cụ thể trong vòng đời của một doanh nghiệp. Ví dụ cổ phiếu tăng trưởng cao thường không trả cổ tức. Tuy nhiên, chúng có nhiều khả năng sẽ tăng giá đáng kể khi công ty phát triển. Mặt khác, cổ phiếu trả cổ tức thường ít khi tăng giá nhưng thưởng cho các nhà đầu tư bằng cổ tức ổn định, định kì.
Ví dụ về hiệu ứng nhóm khách hàng
Vào năm 2001, khi Winn-Dixie thay đổi chính sách thanh toán cổ tức hàng năm từ việc chi trả cổ tức hàng tháng thành hàng quí, các cổ đông của công ty không hài lòng và cổ phiếu công ty đã giảm giá. Một số chuyên gia xem đây là hiệu ứng nhóm khách hàng trong thực tiễn.
Lưu ý về hiệu ứng nhóm khách hàng
Một số nhà đầu tư, ví dụ như Warren Buffett, tìm kiếm cơ hội đầu tư vào cổ phiếu trả cổ tức cao. Một số nhà đầu tư khác lại tìm kiếm các công ty tăng trưởng cao với tiềm năng mang lại lãi về vốn lớn. Do đó, hiệu ứng này bước đầu chỉ ra cách hoạt động kinh doanh và kì hạn trả cổ tức của doanh nghiệp thu hút một loại nhà đầu tư cụ thể.
Khía cạnh thứ hai của hiệu ứng nhóm khách hàng mô tả cách các nhà đầu tư hiện tại phản ứng với những thay đổi lớn trong chính sách của công ty. Ví dụ, nếu một cổ phiếu công nghệ không trả cổ tức và tái đầu tư tất cả lợi nhuận của nó trở lại hoạt động, thì ban đầu nó sẽ thu hút các nhà đầu tư ưa thích lãi về vốn.
Tuy nhiên, nếu công ty đó ngừng tái đầu tư vào tăng trưởng và thay vào đó bắt đầu chi trả cổ tức, nhóm nhà đầu tư này có thể có bán bớt cổ phiếu và tìm kiếm cổ phiếu các công ty có tiềm năng tăng trưởng cao khác. Ngược lại, lúc này các nhà đầu tư tìm kiếm cổ phiếu trả cổ tức có thể xem công ty là một khoản đầu tư hấp dẫn.
Giả sử một công ty thường trả cổ tức và do đó đã thu hút được các khách hàng tìm kiếm cổ phiếu trả cổ tức cao. Nếu hoạt động kinh doanh của công ty giảm sút và do đó quyết định giảm cổ tức, các nhà đầu tư này có thể bán cổ phiếu của họ và tìm kiếm một công ty khác trả cổ tức cao hơn.
Do bị bán tháo, giá cổ phiếu của công ty bị giảm và đó là một dạng của hiệu ứng nhóm khách hàng.
(Theo investopedia)