|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam (Viet Nam Shippers' Council - VNSC) là gì?

11:45 | 14/11/2019
Chia sẻ
Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam (tiếng Anh: Viet Nam Shippers' Council - VNSC) là tổ chức xã hội nghề nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh xuất nhập khẩu hàng hoá hoặc các lĩnh vực khác có liên quan trực tiếp đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá.
import-export-mondo

Hình minh họa (Nguồn: ilnordestquotidiano.it)

Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam

Khái niệm

Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam trong tiếng Anh gọi là: Viet Nam Shippers' Council - VNSC.

Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam (sau đây gọi tắt là Hiệp hội) là:

Tổ chức xã hội nghề nghiệp của các doanh nghiệp, tổ chức Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh xuất nhập khẩu hàng hoá hoặc các lĩnh vực khác có liên quan trực tiếp đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng.

Mục đích của Hiệp hội nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu, duy trì, tăng cường và phát triển mối quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa các hội viên, liên kết bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên cũng như của Hiệp hội trong các vấn đề liên quan tới hàng hoá.

Nhiệm vụ

1. Hoạt động của Hiệp hội phải theo đúng Điều lệ đã được phê duyệt. 

2. Đại diện cho chủ hàng là hội viên của Hiệp hội trong các cuộc hội đàm, thương lượng, thực hiện thoả thuận với các hãng vận tải (chủ tàu, người khai thác tàu) đường biển, đường không, đường sắt, đường bộ trong những vấn đề có liên quan đến cước hàng, phụ phí, chi phí, các điều kiện và điều khoản trong vận tải.

3. Bảo vệ lợi ích chung của các hội viên, các bên thương mại sử dụng vận tải hàng hoá và của các chủ hàng, bảo đảm các chủ hàng không bị thiệt do các hãng vận tải thông đồng cùng nhau trong các hiệp hội vận chuyển hay trong các thoả thuận giá để đơn phương tăng cước hàng và áp đặt các phụ phí.

4. Kiến nghị các cơ quan quản lí nhà nước và cấp có thẩm quyền giải quyết các vấn đề có thể ảnh hưởng đến tính cạnh tranh của các mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến lưu thông hàng hóa.

5. Tập hợp ý kiến của hội viên để kiến nghị với Nhà nước về chế độ, chính sách và biện pháp hỗ trợ để: 

Nâng cao hiệu quả kinh doanh cho các hội viên, tạo thuận lợi cho việc xuất nhập khẩu hàng hóa và các dịch vụ khác có liên quan trực tiếp đến hoạt động xuất nhập khẩu; thực hiện các biện pháp nhằm ổn định, bảo vệ thị trường và tham gia đào tạo nguồn nhân lực cho ngành.

6. Đề xuất hoặc tham gia xây dựng qui trình, qui phạm, tiêu chuẩn kĩ thuật, tư vấn, phản biện và giám định xã hội liên quan tới lĩnh vực xuất, nhập khẩu và các dịch vụ khác có liên quan trực tiếp đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá khi được yêu cầu. 

Kiến nghị với chính phủ để sửa đổi, thay thế  hoặc bãi bỏ các văn bản, chính sách, qui định không còn phù hợp để tạo điều kiện cho sự phát triển giao dịch thương mại của Việt Nam theo qui định của pháp luật.

7. Hiệp thương và giúp đỡ hội viên giải quyết các vấn đề phát sinh trong hoạt động kinh doanh, khai thác xuất nhập khẩu hàng hoá, những lĩnh vực có liên quan đến giao nhận hàng hoá giữa các hội viên hoặc giữa hội viên với khách hàng. 

Hướng dẫn các chủ hàng là hội viên của Hiệp hội thực hiện đúng các cam kết và qui định trong việc đóng hàng, đóng kiện các hàng hoá xuất khẩu, kê khai hàng nhập khẩu tại các nước hàng được vận chuyển đến.

8. Triển khai ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ mới; 

Tư vấn, giúp đỡ hội viên cải tiến, nâng cao chất lượng quản lí, khai thác giao nhận hàng hoá; phối hợp áp dụng các phương thức vận tải tiên tiến và đào tạo nâng cao chất lượng đóng hàng, đóng kiện các hàng hoá xuất khẩu nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu của thị trường và tiêu chuẩn quốc tế hiện hành. 

 9. Tổ chức nghiên cứu đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ cho các hội viên phù hợp với các yêu cầu về nghề nghiệp. Tổ chức hội thảo, hội nghị chuyên đề về pháp luật, thị trường, đổi mới công nghệ và nghiệp vụ kinh doanh để trao đổi thông tin với các đồng nghiệp trong, ngoài nước.

10. Thu thập và cung cấp kịp thời cho hội viên các thông tin trong, ngoài nước có liên quan đến hoạt động quản lí, kinh doanh, khai thác xuất nhập khẩu hàng hoá, vận chuyển hàng hóa quốc tế của hội viên kể cả mẫu biểu, chứng từ, hợp đồng được phổ biến và lưu hành trên thế giới. Tư vấn cho hội viên các vấn đề liên quan.

11. Đại diện chính thức cho các chủ hàng Việt Nam là hội viên của Hiệp hội trong việc quan hệ với các chủ hàng quốc tế, tham gia các hoạt động của Liên đoàn Hiệp hội Chủ hàng ASEAN, Hiệp hội Chủ hàng châu Á, diễn đàn các Hiệp hội Chủ hàng khu vực châu Á, quốc tế và những tổ chức quốc tế hữu quan khác theo qui định của pháp luật.

12. Hàng năm hội phải báo cáo tình hình tổ chức, hoạt động của hội với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và cơ quan quản lí nhà nước ngành, lĩnh vực mà hội hoạt động, chậm nhất vào ngày 01 tháng 12 hàng năm.

13. Chấp hành sự hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra của cơ quan quản lí nhà nước có thẩm quyền về tổ chức, hoạt động và quản lí hội theo qui định của pháp luật.

14. Việc sử dụng kinh phí của hội phải chấp hành qui định của pháp luật. Hàng năm hội phải báo cáo quyết toán tài chính theo qui định của Nhà nước và gửi cơ quan tài chính cùng cấp.

(Tài liệu tham khảo: Điều lệ Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam)

Tuyết Nhi

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.