|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia (National Innovation System - NIS) là gì?

16:21 | 09/06/2020
Chia sẻ
Hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia là các hoạt động nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cũng như sự phát triển và tiến bộ xã hội.
Hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia (National Innovation System - NIS) là gì? - Ảnh 1.

Hình minh họa (Nguồn: Thanakrit Lersmethasakul)

Hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia

Khái niệm

Hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia trong tiếng Anh gọi là: National Innovation System - NIS.

Hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia là hệ thống liên kết giữa khu vực hàn lâm (chủ thể tạo ra tri thức - knowledge producer mà đại diện là các trường đại học, viện nghiên cứu) với khu vực công nghiệp (industry - Các ngành sản xuất - Hoạt động sản xuất).

Trong đó Nhà nước/Chính phủ đóng vai trò kiến tạo, kết nối, tạo môi trường chính sách, thể chế thúc đẩy quan hệ tương tác giữa khu vực hàn lâm và công nghiệp để tạo ra, ứng dụng và chuyển hóa tri thức thành các giá trị gia tăng phục vụ người dân và xã hội.

Vai trò

Năng lực cạnh tranh toàn cầu của một quốc gia phụ thuộc vào khả năng phát triển một nền kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo (Innovation Driven Economy - Nền kinh tế được chuẩn chỉnh bởi đổi mới sáng tạo).

Nền kinh tế đổi mới sáng tạo là nền kinh tế được xây dựng dựa trên giá trị gia tăng cao, tiềm lực R&D mạnh và các ngành công nghiệp công nghệ cao. Các quốc gia có nền kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo điển hình là Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thụy Sỹ, Thụy Điển, Phần Lan, Đức và Mỹ.

Để phát triển được nền kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo đòi hỏi phải đầu tư rất mạnh cho R&D, đổi mới sáng tạo và thương mại hóa các kết quả R&D bởi khu vực công nghiệp, doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cần thiết lập được mối quan hệ đối tác chặt chẽ giữa các cơ quan nghiên cứu công lập (viện nghiên cứu, trường đại học) với khu vực doanh nghiệp. Các quốc gia đã tạo lập được nền kinh tế dựa trên vai trò dẫn dắt của đổi mới sáng tạo có chung đặc điểm là đều có một hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia (NIS) rất mạnh.

Đổi mới sáng tạo vừa là chìa khóa quan trọng tăng năng suất lao động trong nội tại nền kinh tế, vừa là yếu tố nền tảng quyết định năng lực của một quốc gia trong việc nâng cao chất lượng đời sống của người dân trong dài hạn. Hướng tới nền kinh tế đổi mới sáng tạo là mục tiêu của nhiều quốc gia đang phát triển.

Ngay cả đối với các nước đã được coi là thiết lập được nền kinh tế được dẫn dắt bởi đổi mới sáng tạo, họ cũng luôn không ngừng đổi mới sáng tạo để linh hoạt thích ứng với các thay đổi của thời đại và luôn tiến về phía trước.

Thậm chí, nếu không giữ cho nền kinh tế liên tục vận động theo hướng đổi mới sáng tạo, ngay cả các nước này cũng sẽ có nguy cơ tụt hậu trở lại nhóm các nền kinh tế chỉ có khả năng phát triển các ngành công nghiệp dựa trên công nghệ thấp hoặc trung bình.

Vì vậy, chính sách của Nhà nước cần tác động toàn diện và đồng bộ tới hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, gồm chính sách đối với các viện nghiên cứu, trường đại học thúc đẩy hoạt động nghiên cứu tạo ra tri thức, công nghệ và chính sách đối với các doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động ứng dụng tri thức và công nghệ để tạo ra của cải, vật chất cho xã hội.

Quan trọng hơn là việc thúc đẩy mối liên kết chặt chẽ và hiệu quả giữa các thành tố này trong hệ thống.

Chính sách tác động toàn diện và đồng bộ có nghĩa là: Bên cạnh các giải pháp trực diện về khoa học và công nghệ, cần các chính sách về thương mại, đầu tư, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, giáo dục và đào tạo, phát triển vùng, mua sắm công, phát triển thị trường nội địa và thị trường quốc tế,…

(Tài liệu tham khảo: Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo góp phần tăng năng suất lao động, Bộ Khoa học và Công nghệ)

Tuyết Nhi